Chiều nay (19/7), Bộ Tư pháp họp báo thường kỳ về công tác tư pháp.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc thi hành án trong vụ đánh bạc ngàn tỷ, liên quan đến Phan Sào Nam (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty VTC online) và Nguyễn Văn Dương (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao- CNC), ông Nguyễn Thắng Lợi (Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự) cho hay:

Trong vụ án này, Phan Sào Nam phải thi hành án số tiền lớn, lên tới 1.475 tỷ đồng. Đến nay, bị án này đã thi hành phần rất lớn trong tổng số tiền phải thi hành án (hơn 1.384 tỷ đồng).

Ông Nguyễn Thắng Lợi (Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự) 

Nhắc đến chuyện thi hành án của bị án Nguyễn Văn Dương, ông Lợi cho biết, người này phải thi hành án số tiền 1.655 tỷ đồng, nhưng việc giải quyết thi hành án còn khó khăn. Số tiền thi hành án thu hồi được của bị án Dương mới được 315 tỷ đồng.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết, nghĩa vụ thi hành án của bị án Nguyễn Văn Dương còn rất nhiều, nhưng tài sản đảm bảo để có thể thi hành án không còn nhiều.

Đến nay, cơ quan thi hành án vẫn đang xác minh, truy tìm ra tài sản của bị án Dương ở Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng để xử lý. “Anh em thi hành án báo cáo về thì chưa thấy có dấu hiệu che giấu tài sản hay cố tình không thi hành án”, ông Nguyễn Thắng Lợi cho biết.

Nhắc đến đề xuất cho chủ thể phạm tội tham nhũng khắc phục hậu quả để giảm xử lý hình sự, ông Nguyễn Thắng Lợi cho hay, lâu nay việc thi hành án dân sự gặp khó khi bản án tuyên số tiền mà các bị cáo phải thi hành án rất lớn, nhưng thực tế, tài sản đảm bảo thi hành án lại rất ít.

Có trường hợp đủ tài sản để thi hành án, nhưng tính chất pháp lý của tài sản đó lại chưa được làm rõ, khiến chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự phải mất thời gian xác minh thêm về tính chất pháp lý của tài sản đó, xem có thể đưa ra kê biên, xử lý hay không.

Cũng có trường hợp tài sản đưa ra để thi hành án nhưng thông tin về tài sản đó cũng không rõ ràng. Vì vậy, trình tự, thủ tục kê biên tài sản đó phải thận trọng. “Chúng tôi yêu cầu chấp hành viên phải chặt chẽ, để làm sao không có sai sót trong việc thi hành quyết định đó”, lời ông Nguyễn Thắng Lợi.

Vẫn theo ông Lợi, việc để tội phạm tham nhũng khắc phục hậu quả để giảm án hình sự không phải là quy định mới, trước đây, Nghị quyết Trung ương 3 đã đề cập đến vấn đề này.

Trên thực tế, nhiều quốc gia cũng áp dụng phương án này. Hiện nay, Bộ đang trong quá trình học hỏi kinh nghiệm quốc tế, để xem có thể vận dụng vào thực tế Việt Nam hay không.

Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Chánh Văn phòng Bộ cho biết, trong 9 tháng năm 2022, hệ thống thi hành án dân sự đã thi hành xong 348. 490 việc với trên 52. 166 tỷ đồng. Kết quả theo dõi thi hành án hành chính đạt được nhiều kết quả tích cực, đã thi hành xong 94 việc.

Một trong các nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư pháp 6 tháng cuối năm 2022 được chỉ ra là: Triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung và tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.

Nhất là các quy định liên quan đến việc thu hồi tài sản bị thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế theo chỉ đạo của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. 

Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án dân sự, tổ chức theo dõi việc thi hành các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án về vụ án hành chính theo đúng quy định.