Ngày 23-5, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết đã kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước về đất đai, quy hoạch đô thị tại TP Phan Thiết giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 9-2018.
Từ đó, UBND tỉnh đề nghị Thanh tra tỉnh chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan CSĐT cùng cấp để điều tra dấu hiệu vi phạm các quy định về quản lý đất đai; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Tùy tiện lập quy hoạch, tự sửa bản đồ
Theo Kết luận thanh tra số 1696/KL-UBND của UBND tỉnh Bình Thuận, từ đầu năm 2016 đến tháng 9-2018, UBND TP Phan Thiết có biểu hiện tùy tiện trong việc lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất hằng năm không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Việc UBND TP Phan Thiết tùy tiện lập, phê duyệt quy hoạch, không xin ý kiến tỉnh được thể hiện qua dấu hiệu sửa chữa bản đồ. Cụ thể, đối chiếu giữa bản đồ số trên máy tính đã được UBND tỉnh phê duyệt với bản đồ được UBND TP Phan Thiết phê duyệt quy hoạch sử dụng đất của các xã Thiện Nghiệp, Tiến Lợi và Phong Nẫm thì nhiều vị trí, khu vực có sự sai lệch về diện tích, màu sắc mục đích sử dụng đất.
Bản kết luận nêu rõ: Từ tùy tiện trong lập, phê duyệt quy hoạch và tự chỉnh sửa bản đồ, UBND TP Phan Thiết đã cố ý, tùy tiện trong việc xác định khu vực, vị trí thửa đất, mục đích sử dụng đất trước khi chuyển mục đích không đúng thực tế, không đúng quy định (xác định vị trí thửa đất trước khi chuyển mục đích, thay đổi, điều chỉnh thông tin bất thường, luôn xác định thấp hơn quy định) gây thất thoát cho ngân sách nhà nước…
Sở TN&MT cũng dính sai phạm
Bản kết luận nêu: Đối với Sở TN&MT, khi cho tách thửa đất ở nông thôn (đối với ba xã: Tiến Lợi, Thiện Nghiệp và Phong Nẫm) đã không kiểm tra việc cho chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở, dẫn đến việc để cho UBND TP Phan Thiết tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái với các quy định của pháp luật. Điều này khiến nhiều cá nhân lợi dụng kẽ hở xin chuyển mục đích sử dụng đất để phân nền, chia lô bán đất thương phẩm trái pháp luật tràn lan ở ba xã trên. “Từ đó, các cá nhân chuyển nhượng đất ở nộp tiền sử dụng đất thấp hơn so với quy định, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước” - bản kết luận nêu.
Phần cuối bản kết luận nêu rõ những việc làm sai phạm trên của UBND TP Phan Thiết, Sở TN&MT đã tạo điều kiện, giúp sức cho một số cá nhân tách thửa đất, hợp thửa hình thành điểm dân cư tạo mới, phân lô, bán nền đất, thu lợi bất chính số tiền lớn, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, gây bức xúc trong dư luận.
Các xã giáp biển của TP Phan Thiết đang nóng lên vì cơn sốt đất. Ảnh: CTV |
Ai giúp sức cho đại gia?
Kết luận thanh tra đã chỉ ra hàng loạt cơ quan, cá nhân đã làm trái, giúp các đại gia thâu tóm đất.
Cụ thể, qua kiểm tra ngẫu nhiên 65/160 hồ sơ thực hiện nghĩa vụ tài chính khi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở trên địa bàn các xã Tiến Lợi, Phong Nẫm và Thiện Nghiệp thì toàn bộ 65 hồ sơ đều được Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Phan Thiết ghi thiếu thông tin vị trí đất. Tiếp theo, Chi cục Thuế Phan Thiết không chuyển trả lại để bổ sung thông tin theo quy định mà vẫn tính tiền sử dụng đất và ra thông báo nộp tiền sử dụng đất với các mức thấp hơn quy định. Có nhiều hồ sơ đóng tiền rất ít, thậm chí là 0 đồng.
Đáng chú ý, trong hàng loạt hồ sơ có dính sai phạm trên đều do ông Nguyễn Hữu Hoành, Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Phan Thiết, ký duyệt. Đáng chú ý, các hồ sơ trước và sau khi tính lại, giá trị tiền phải nộp với mức chênh lệch đến hơn 3,3 tỉ đồng của ông Mai Văn Triệu (giám đốc một công ty xuất nhập khẩu tại TP.HCM) là do ông Nguyễn Hữu Hoành ký.
Một cái tên khác là ông Đỗ Ngọc Điệp, giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 9-2018 làm chủ tịch UBND TP Phan Thiết, nay là phó bí thư thường trực Thành ủy. Trong giai đoạn trên, UBND TP Phan Thiết đã có quyết định cho chuyển mục đích sử dụng đất đối với 139 thửa đất, tổng diện tích 176.815 m2 đất trồng cây sang đất ở không đúng các quy định của pháp luật.
Các đối tượng nằm trong “tầm ngắm” Theo bản kết luận, những hạn chế, sai phạm về đất đai ở Phan Thiết trách nhiệm thuộc về Sở TN&MT, UBND TP Phan Thiết, Phòng TN&MT TP Phan Thiết, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Phan Thiết, Chi cục Thuế TP Phan Thiết, UBND các xã Thiện Nghiệp, Phong Nẫm, Tiến Lợi và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo một cán bộ Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận, sau khi tiếp nhận hồ sơ từ Thanh tra tỉnh chuyển sang, cơ quan này sẽ lần lượt làm việc với các cá nhân, cơ quan trên để làm rõ hành vi vi phạm các quy định về quản lý đất đai; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. “Cạnh đó, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ hành vi làm giả tài liệu của cơ quan nhà nước từ dấu hiệu tự sửa bản đồ, bản quy hoạch ở TP Phan Thiết” - vị cán bộ nói. Một ngày và một tháng Ngày 12-2-2018, UBND TP Phan Thiết có văn bản xác định vị trí của một khu đất thuộc xã Thiện Nghiệp nằm trong diện không được tách thửa, chuyển đổi mục đích. Nhưng chỉ một ngày sau, ngày 13-2-2018, Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận vẫn ký văn bản cho tách thửa khu đất này thành 11 thửa với diện tích lên đến 9.783 m2. Một tháng sau, tức tháng 3-2018, Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận lại tiếp tục ký cho tách 11 thửa trên thành 90 lô đất và cho chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở. Ngay sau đó, 90 lô đất ở này được đại gia sang nhượng, thu lợi bất chính. |
Theo Báo Pháp luật
Sốt đất và cái chết chực chờ ‘bầy cừu’ ở Phan Thiết
Địa phương đang theo dõi chặt tình hình, triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn các nhóm lừa đảo, gây sốt đất ảo tại Phan Thiết.