Ngày 21/03/2024, Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề “Phân tích định lượng các vấn đề kinh tế và xã hội trong môi trường số - Lần thứ 3" do Học viện Chính sách và Phát triển phối hợp cùng Trường Đại học Thương mại, Trường Đại học Hà Nội đồng tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.

Đại diện các đơn vị tổ chức phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Trần Trọng Nguyên - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cho biết: Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, các giảng viên và các lãnh đạo doanh nghiệp tiếp tục trao đổi, chia sẻ kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm về phát triển các công cụ định lượng trong giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội trong bối cảnh cả nước đang đang hòa mình trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Mục tiêu của Hội thảo lần này là góp một phần công sức giúp thực hiện thành công quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

hội thảo bộ KHDT.jpg
PGS.TS. Trần Trọng Nguyên - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển phát biểu khai mạc Hội thảo

Báo cáo mời tại phiên toàn thể, TS. Nguyễn Thị Thu Hương, Phó vụ trưởng Vụ hệ thống Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê đã chia sẻ những thông tin về quá trình xây dựng hệ thống chỉ tiêu đo lường Kinh tế số và phương pháp đo lường Kinh tế số trong GDP, GRDP tại Việt Nam qua báo cáo “Đo lường kinh tế số”. 

Theo TS. Nguyễn Thị Thu Hương, trong thời kỳ công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Công nghệ thông tin ngày càng được ứng dụng trong tất cả các ngành, các lĩnh vực và mọi mặt của đời sống xã hội. 

Kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới, vừa là thách thức, vừa là cơ hội để Việt Nam có thể tận dụng phát triển kinh tế trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Để đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đề ra về phát triển kinh tế số, đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để nhận diện và đo lường kinh tế số, từ đó, đề xuất cách thức thực hiện phù hợp với thực tế. Do vậy việc thống kê đo lường quy mô nền kinh tế số là rất cần thiết, đặc biệt đo lường đóng góp giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP.

Báo cáo khách mời thứ 2 là GS. Christine Thomas-Agnan, Trường Kinh tế Toulouse, Đại học Toulouse 1 Capitole, Cộng hòa Pháp trình bày về chủ đề phân tích dữ liệu đa hợp với ứng dụng cụ thể là mô hình thống kê đánh giá mối quan hệ giữa đặc điểm kinh tế - xã hội của các vùng lãnh thổ.

 Ngoài phiên họp toàn thể, Hội thảo Khoa học cấp Quốc gia “Phân tích định lượng các vấn đề kinh tế và xã hội trong môi trường số - lần thứ 3” được tổ chức 3 phiên song song với 11 báo cáo được các diễn giả trình bày trực tiếp tại chương trình. 

Phiên thảo luận thứ nhất có chủ đề “Nghiên cứu định lượng các vấn đề kinh tế - xã hội để đưa ra các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đầu tư phát triển cho Việt Nam” có 3 báo cáo được trình bày gồm: Thể chế với chuyển dịch cơ cấu kinh tế: nghiên cứu trường hợp Việt Nam giai đoạn 2010 – 2022 do TS. Bùi Thị Hoàng Mai, Học viện Chính sách và Phát triển trình bày; Ứng dụng mô hình cảnh báo sớm trong dự báo khả năng khủng hoảng tiền tệ cho Việt Nam do TS. Phùng Thế Đông đến từ Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia trình bày; Các nhân tố ảnh hưởng đến tình trạng việc làm phi chính thức của lao động Việt Nam do TS. Nguyễn Thị Tuyết Mai của Trường Đại học Thương mại trình bày.

Phiên thảo luận thứ hai có nội dung “Nghiên cứu định lượng về quản trị kinh doanh, tài chính, kế toán, marketing, du lịch tại các doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển kinh tế số” với 3 báo cáo gồm: Ảnh hưởng của ESG và thao túng lợi nhuận lên kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khối ASEAN do ThS. Đào Mai Hương đến từ Trường Đại học Hà Nội trình bày; Cấu trúc hội đồng quản trị và mức độ chấp nhận rủi ro của các doanh nghiệp chế biến thực phẩm niêm yết tại Việt Nam do TS. Lê Thị Nhung đến từ Học viện Chính sách và Phát triển trình bày; Các nhân tố ảnh hưởng đến việc khám bệnh của cá nhân: kết quả thực nghiệm từ mô hình hồi quy Poisson do TS. Cù Thu Thủy của Học viện Tài chính trình bày.

Hội thảo Bộ KHĐT.jpg
Phiên họp thứ thứ ba có chủ đề “Phân tích, dự báo các vấn đề kinh tế - xã hội dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data)”. 

Phiên thứ thứ ba có chủ đề “Phân tích, dự báo các vấn đề kinh tế - xã hội dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data)”. Trong đó, các báo cáo được trình bày lần lượt gồm: Một nghiên cứu về ý định sử dụng blockchain trong hệ thống SCM tiếp cận theo UTAUT2 do TS. Nguyễn Thị Hội đến từ Trường Đại học Thương mại trình bày; Những công nghệ quản trị và phân tích dữ liệu lớn tại các Ngân hàng thương mại tại Việt Nam do ông Phạm Công Diễn – Giám đốc dữ liệu của Công ty Insight Data đã trình bày; Tâm lý thị trường và tỷ suất sinh lời tiền mã hóa do TS. Trần Sơn Tùng đến từ Trường Đại học Hà Nội trình bày.

Đại diện Ban Tổ chức cho biết, Hội thảo đã nhận được rất nhiều bài viết của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý khắp cả nước và một số trường đại học quốc tế. Sau khi lấy ý kiến phản biện và thẩm định, Ban Tổ chức Hội thảo đã lựa chọn được 50 bài viết tiêu biểu trong số 65 bài viết đã gửi về Ban tổ chức để đăng toàn văn trên kỷ yếu Hội thảo. 

Hội thảo đã tạo ra một diễn đàn trao đổi học thuật và chia sẻ tri thức từ các nhà khoa học, giúp các nhà nghiên cứu có cái nhìn sâu sắc hơn giữa lý thuyết và thực tiễn, các nhà hoạch định chính sách và quản trị doanh nghiệp có thêm thông tin để đưa ra các chính sách phù hợp. 

Huệ Anh