Thưa các đồng chí Lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương!

Thưa các đồng chí Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo thành phố Đà Nẵng!

Thưa quý vị đại biểu, quý khách và bà con Nhân dân!

Cảng Đà Nẵng đã từng có một quá khứ vàng son trên con đường giao thương hàng hải quốc tế, sách Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn đã chép: “nước sâu lại rộng, ngoài có cá núi ngăn che, những ghe tàu qua lại gặp gió lớn hay đậu nghỉ nơi đây”. Những ghi chú bản đồ Đà Nẵng vẽ năm 1787 cũng cho rằng “vịnh Đà Nẵng có thể tiếp nhận những tàu buôn lớn nhất và là hải cảng rất thuận lợi”. Những cứ liệu lịch sử cho thấy thời kỳ cận đại, hoạt động thương mại quốc tế qua cửa biển Đà Nẵng khá sầm uất, nhưng những hoạt động thời bấy giờ chỉ là điểm chuyển tải và mang tính chất tiền cảng, chưa có những cơ sở hạ tầng và thiết bị tối thiểu cho một hải cảng.

Cảng Đà Nẵng không những có tiềm năng về giao lưu kinh tế, thương mại, đầu tư quốc tế mà còn là có vị trí “yết hầu” về quốc phòng - an ninh của đất nước. Việc thực dân Pháp nổ phát súng đầu tiên xâm lược nước ta năm 1858 chính ở cửa biển Đà Nẵng này đã cho thấy vai trò chiến lược của Cảng Đà Nẵng như thế nào. 

Khi đất nước được thống nhất, Cảng Đà Nẵng được xác định là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực, có khả năng phát triển để đảm nhận vai trò cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung, đang từng bước được đầu tư kể cả  Khu bến Tiên Sa; Cảng cá Thọ Quang (Sơn Trà) và Khu bến Liên Chiểu. 

Nhìn rộng hơn, Cảng Đà Nẵng là cửa ngõ chính hướng ra biển Đông tiếp giáp với các tuyến hàng hải quốc tế nối giữa các nền kinh tế Đông Bắc Á và Đông Nam Á cũng như của thế giới. Cảng Đà Nẵng cũng là điểm trung chuyển phía Đông của vùng miền Trung đón các dòng lưu chuyển hàng hóa trên tuyến Hành lang kinh tế Đông- Tây cũng như các tỉnh trong khu vực với thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, Cảng Đà Nẵng còn nằm ở vị trí trung độ của cả nước, là tiếp điểm của các tuyến giao thông Bắc- Nam, là giao điểm của các tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không của miền Trung. Với những tiềm năng, lợi thế mang tính Thiên thời và Địa lợi đó, chúng ta chỉ cần phát huy thêm yếu tố Nhân hòa thì có thể thành công. 

Vì lẽ đó, hôm nay tôi rất vui mừng dự lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu– Phần cơ sở hạ tầng dùng chung Thành phố Đà Nẵng và cũng là một hợp phần rất quan trọng của Cảng Đà Nẵng. 

Có thể nói đây là bước cụ thể rất thiết thực từng bước hiện thực hóa mục tiêu chiến lược tại nghị quyết 43 ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đó là: trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; để đến năm 2045, “Thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á”. 

Ý nghĩa của Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng - Phần cơ sở hạ tầng dùng chung nhằm tới mục tiêu nâng cấp cảng biển Liên Chiểu đáp ứng thông qua lượng hàng đến 5,0 triệu tấn/năm giai đoạn đầu và phát triển các bến giai đoạn tiếp theo để giảm tải cho khu bến Tiên Sa và Sơn Trà, giảm áp lực giao thông đường bộ đi qua nội đô thành phố Đà Nẵng; tăng cường kết nối vùng và liên vùng, phát triển bền vững kinh tế - xã hội, như tinh thần của Quyết định số 435 năm ngày 25/3/2021 của TTg CP.

Với vị trí thuận lợi về độ sâu, kho bãi rộng, gần tuyến hàng hải quốc tế, thị trường hàng hóa dồi dào từ hành lang kinh tế Đông - Tây, Cảng Liên Chiểu được đánh giá có tiềm năng trở thành cảng biển hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Khu vực Cảng khá thuận lợi về kết nối giao thông, kết nối với các khu công nghiệp của thành phố; cảng Liên Chiểu sẽ là điểm sáng tạo bứt phá không chỉ với ngành vận tải, logistics mà ngành du lịch và dịch vụ Đà Nẵng cũng sẽ được hưởng lợi, tạo thành mạng lưới thương mại quốc tế đa diện, phong phú, mở rộng không gian phát triển không chỉ cho Đà Nẵng mà cho cả khu vực Miền Trung; đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững “phên dậu, mạng sườn” tiền tiêu cho Tổ quốc. Điều này sẽ góp phần làm tăng vị thế của vịnh Đà Nẵng trên bản đồ các vịnh biển của Việt Nam và khu vực. 

Cũng cần phải nhận thức đúng đắn rằng, việc Nhà nước đầu tư cảng Đà Nẵng không có nghĩa là đầu tư riêng cho Đà Nẵng mà đầu tư cho cả Vùng miền Trung. Bởi nếu chỉ một mình quy mô kinh tế của Đà Nẵng khai thác cảng thì sẽ không thể đủ quy mô kinh tế hiệu quả, khi đó việc đầu tư là không cần thiết, thay vào đó phải hướng đến quy mô kinh tế cả vùng hay ít nhất là các tỉnh lân cận phải cùng chia sẻ không gian và hạ tầng chung, khi đó mới phát huy hiệu quả và lợi thế cạnh tranh cảng biển. Nhận thức này cũng cần được lan tỏa trong công tác lập quy hoạch chiến lược phát triển cảng biển Việt Nam nói riêng và các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn có tính liên kết vùng nói chung. 

Thưa các đồng chí lãnh đạo, các đại biểu, 

Nhân buổi lễ hôm nay, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi biểu dương những kết quả phát triển kinh tế- xã hội toàn diện của Thành phố Đà Nẵng, các đồng chí đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, vượt qua khó khăn thách thức, đưa Đà Nẵng có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một thành phố năng động, sáng tạo, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh. Kinh tế tăng trưởng nhanh (top 10 địa phương tăng trưởng cao nhất cả nước), cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng, dịch vụ thương mại, thông tin và truyền thông, vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, giáo dục - đào tạo, y tế… đều phát triển với tốc độ cao. Năm 2022, trong bối cảnh khó khăn chung tình hình thế giới và trong nước các chỉ tiêu cơ bản chủ yếu năm 2022 hầu hết đều đạt[1], nhiều chỉ tiêu vượt xa so với kế hoạch đề ra (GRDP đạt 14,05% trong khi NQ đề ra 6-7%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tăng 15,8% (NQ 9-10%), Thu ngân sách đạt 120% dự toán, tổng vốn đầu tư phát triển tăng 11,5%...). Đà Nẵng từng bước khẳng định vai trò là đô thị lớn, đầu tàu, động lực phát triển, trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung - Tây Nguyên và của cả nước.

Tôi biểu dương tinh thần khẩn trương, sự nỗ lực, tích cực của thành phố Đà Nẵng, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành trung ương để có thể hoàn thành các thủ tục pháp lý, tổ chức buổi khởi công dự án như hôm nay. 

Tôi đề nghị chính quyền, nhà đầu tư cũng như các bên liên quan chú ý mấy việc sau đây:

Thứ nhất, luôn tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan, đảm bảo thực hiện đúng tiến độ và chất lượng đề ra, giải ngân vốn đầu tư công dành cho dự án đúng kế hoạch, nhanh chóng đưa dự án đi vào vận hành, khai thác nhằm phát huy hiệu quả dự án; thực hành nguyên tắc tiết kiệm và hiệu quả trong đầu tư, an toàn trong thi công, giảm thiếu các tác động đến môi trường và đời sống người dân trong quá trình xây dựng.

Thứ hai, đầu tư ứng dụng các công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ tự động hóa, công nghệ số vào quản trị và khai thác cảng biển, hướng đến xây dựng mô hình “cảng xanh” theo xu hướng của thế giới. 

Thứ ba, phải đặt mục tiêu giảm chi phí sử dụng hạ tầng cảng biển và logistics nhằm giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, nâng cao tính cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển Đà Nẵng. 

Thứ tư, đảm bảo tính đồng bộ trong đầu tư hạ tầng kết nối cảng biển và hạ tầng logistics, nhất là hệ thống giao thông liên kết vùng, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy, hệ thống kho bãi và các hạ tầng hỗ trợ liên quan. 

Thứ năm, đào tạo nguồn nhân lực cảng biển và logistics một cách tương xứng với quy mô và yêu cầu đặt ra, nguồn nhân lực phải chuẩn bị trước một bước so với việc đầu tư hạ tầng cảng biển. 

Tôi đề nghị chính quyền thành phố Đà Nẵng tiếp tục phát huy tinh thần năng động, sáng tạo và quyết liệt, nhận thức đầy đủ trách nhiệm trong việc kiểm tra, đôn thúc để dự án sớm hoàn thành, đem lại hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội cho Đà Nẵng và các địa phương lân cận. Đây là dự án lớn, cả quy mô và tổng mức đầu tư, liên quan đến 4.324 hộ dân, chúng ta cần chú ý làm nhanh, làm sớm, làm chất lượng để dân sớm ổn định cuộc sống, khâu kiểm tra, đôn đốc, xử lý vướng mắc là rất quan trọng. Cần sớm nghiên cứu triển khai để đầu tư các hạng mục còn lại của bến cảng, bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, góp phần đưa Thành phố phát triển lên tầm cao mới.

Tôi xin cảm ơn người dân đã ủng hộ chính quyền để có mặt bằng triển khai dự án, và tôi tin tưởng rằng, dự án hoàn thành sẽ là xung lực cần thiết tạo đột phá cho kinh tế của Đà Nẵng cũng như mang lại cuộc sống và cơ hội việc làm tốt hơn, nhiều hơn cho nhân dân.

Xin chúc các đồng chí Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trung ương, bộ, ban, ngành, thành phố Đà Nẵng cùng toàn thể các đồng chí và bà con Nhân dân mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công!