- Mẹ tôi ngoại tình và có con riêng với một người khác, nhưng do bố tôi không biết nên vẫn cho đó là con của mình. Em tôi (cùng mẹ khác cha) được khai sinh với đầy đủ họ tên của bố mẹ tôi. Nay bố tôi phát hiện ra sự thật, nên quyết định hủy quyền thừa kế của em với tài sản gia đình. Xin hỏi luật sư bố tôi có quyền làm như vậy không? Em tôi sẽ được thừa kế tài sản thế nào? Nếu em tôi không phải con đẻ của bố thì bố có quyền thay đổi giấy khai sinh, xóa phần họ tên của cha không? Cảm ơn luật sư.
TIN BÀI KHÁC
Em trai tôi không phải là con đẻ của bố (Ảnh minh họa) |
Thứ nhất: Quyền để lại di sản.
Cá nhân có quyền quyền lập di chúc để định đoạt tài sản đó. Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân trong việc định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của họ trước khi chết. Căn cứ vào khoản 1 Điều 648 Bộ Luật Dân sự năm 2005 thì người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế, truất quyền hưởng di sản của người thừa kế. Di chúc của bố bạn phải chỉ định rõ em bạn là người không được hưởng di sản.
Tuy nhiên Điều 669 Bộ luật Dân sự 2005 quy định người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc: “Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi học là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này:
“1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.”
Nếu em bạn thuộc trường hợp nêu trên thì em bạn vẫn được hưởng thừa kế bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật.
Thứ hai: Về thẩm quyền giải quyết việc không thừa nhận con
Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định:
"1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định."
Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật về hộ tịch trong trường hợp không có tranh chấp. Tòa án có thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp có tranh chấp hoặc người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết và trường hợp quy định tại Điều 92 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Quyết định của Tòa án về xác định cha, mẹ, con phải được gửi cho cơ quan đăng ký hộ tịch để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch; các bên trong quan hệ xác định cha, mẹ, con; cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc