Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân P.T.T, 67 tuổi, vào viện vì đau bụng hạ sườn phải và sút cân. Người phụ nữ này đã đi khám tại một bệnh viện khác, kết quả siêu âm phát hiện tổn thương tại gan.
Chia sẻ với VietNamNet, Phó giáo sư Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết bệnh nhân được giới thiệu tới khám u ở gan. Tuy nhiên, khi kiểm tra lâm sàng, bác sĩ phát hiện vú trái của bệnh nhân có một ổ loét, bông gạc che lại. Bác sĩ giật mình vì rất lâu không còn bệnh nhân đến viện khám vì giấu bệnh dẫn tới u loét, chảy dịch.
Bác sĩ kiểm tra phát hiện khối u ngực trái kích thước 5x6cm, mật độ chắc, di động kém, chảy máu, chảy dịch, kèm theo vài nốt tổn thương xung quanh, đồng thời thâm nhiễm da, gây viêm, nề đỏ vùng da xung quanh. Đồng thời, vùng ngực trái của bệnh nhân còn có nhiều hạch nách 2 bên kích thước hạch lớn nhất khoảng 1cm. Ngực phải chưa phát hiện khối bất thường.
Theo bệnh nhân, từ hơn một năm nay, bà bắt đầu cảm thấy khó chịu ở vùng vú trái, khối u to dần, chảy dịch, bệnh nhân tự mua bông về đắp vào vùng u vú hằng ngày. Bệnh nhân cũng không nói với ai về tình trạng sức khỏe của mình. Gần đây, khi thấy mệt, ăn kém, gầy sút cân, đau tức vùng hạ sườn phải, bà mới kể với con là đau bụng và được đưa đi khám bệnh ngay.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ đã kiểm tra các xét nghiệm lâm sàng, cận lâm sàng và chẩn đoán ung thư vú giai đoạn IV. PGS Phương cho biết đây là trường hợp đáng tiếc. Nếu đi kiểm tra sớm ngay khi phát hiện bất thường bệnh ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có cơ hội điều trị khỏi hoàn toàn.
Bác sĩ Phương cho biết ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất ở nữ giới cả trên thế giới và ở Việt Nam.
Theo thống kê của ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), trong năm 2020 có tới hơn 2,2 triệu phụ nữ được phát hiện ung thư vú và có tới 684.996 trường hợp tử vong. Ở Việt Nam, ung thư vú cũng là loại ung thư đứng hàng đầu, chiếm tới 25,8% các trường hợp ung thư ở nữ giới với 21.555 người mới được phát hiện bệnh và 9.345 bệnh nhân tử vong. Việc phát hiện chẩn đoán sớm bệnh có vai trò quan trọng trong điều trị và tiên lượng.
Theo thống kê tại Mỹ, nếu ung thư vú được chẩn đoán sớm khi bệnh còn khu trú trong tuyến vú, tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân sau điều trị lên tới 99%. Tuy nhiên, khi ung thư đã lan ra ngoài tuyến vú, tới hạch bạch huyết và các tổ chức xung quanh, tỷ lệ này giảm xuống còn 86%. Khi ung thư đã di căn tới các cơ quan khác của cơ thể như di căn phổi, gan, xương, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn có 30%.
Do đó, PGS Phương khuyến cáo phụ nữ cần đi khám sức khỏe định kỳ và ngay khi các các dấu hiệu bất thường để phát hiện được bệnh ở giai đoạn sớm và điều trị hiệu quả.