Mất tiền vì sơ suất nhỏ
Phản ánh tới Báo, chị Nguyễn Hồng Dung (32 tuổi, ở Sydney, Autraslia) cho biết vừa phát hiện một mánh khóe lừa đảo tinh vi trong bán hàng online. Đó là ghi thông tin người nhận sai lệch khi chuyển tiền. Bằng cách này, tính sơ trong năm 2019, chị Dung đã mất hơn 50 triệu đồng.
Chị Dung bức xúc: "Tôi săn hàng hiệu giảm giá để bán cho các mẹ Việt diện Tết. Cách đây khoảng 1 tuần, có một nick facebook tên là Lan Phạm đặt hàng tôi một túi xách hiệu Marc Jacos. Tôi yêu cầu người này thanh toán trước bằng hình thức chuyển khoản. Mặc dù người này đã gửi lại ảnh chụp giao dịch thành công cho tôi xem nhưng không hiểu vì sao, tài khoản của tôi không nhận được thông báo cộng tiền.
Khi tôi báo lại thì người này nói rằng ngân hàng bị treo nên tiền đã chuyển hoàn và người này tiếp tục chuyển khoản, gửi ảnh chụp giao dịch tiền đã chuyển. Thậm chí, người này còn khoanh đỏ vào phần tài khoản đã trừ để khẳng định tiền mua hàng đã chuyển thành công.
Lần thứ 2 chuyển khoản lại, tôi vẫn không nhận được tiền. Tôi tiếp tục nhắn tin hỏi thì người này bất ngờ đưa tài khoản của tôi vào danh sách chặn liên hệ. Đến lúc này, tôi nhìn lại ảnh chụp giao dịch thì bất ngờ phát hiện tên người nhận thiếu mất một chữ cái. "Nguyen Phat" thiếu mất chữ "u" thành "Ngyen Phat". Thiếu chữ cái trong tên người chuyển, đồng nghĩa là giao dịch không hợp lệ, ngân hàng sẽ chuyển hoàn số tiền đã chuyển".
Khi nhận thấy sự việc bất thường, chị Dung đã rà soát lại những người đã từng mua hàng và phát hiện, một tài khoản tên Nguyễn Hoa cũng đưa chị vào danh sách chặn. Trong khi đó, tài khoản Nguyễn Hoa này cũng đặt mua một chiếc túi và thao tác giao dịch giống với tài khoản Phạm Lan.
Phát hiện ra điều trùng hợp, chị Dung kiểm tra lại cuộc hội thoại đặt hàng của hai tài khoản trên thì bất ngờ nhận ra các đơn hàng mua vitamin, nồi lẩu, dầu gội, túi xách… trước đó của hai tài khoản này khi chuyển khoản đều thiếu một chữ cái trong tên người thụ hưởng.
Ảnh chụp lại cuộc giao dịch giữa chị Dung và tài khoản Lan Phạm chuyển khoản đúng số tiền mua hàng nhưng sai tên người thụ hưởng. Ảnh: NVCC |
"Tôi rà soát lại giao dịch tiền trên internet banking thì phát hiện số tài khoản của Nguyễn Hoa, Lan Phạm với số tài khoản của một nữ khách hàng ở chung cư 136 Hồ Tùng Mậu đang nợ tiền hàng của tôi đều là một người, cùng một số tài khoản. Tôi chỉ tính sơ trong năm 2019, với những giao dịch thiếu chữ cái ở tên người thụ hưởng thì tôi đã bị thiệt hại hơn 50 triệu đồng. Đó là chưa kể những giao dịch năm 2017, 2018 và những giao dịch mà tài khoản N.H chuyển tiền mua hàng thiếu 3 số 0 ở đằng sau số tiền gửi", chị Dung bức xúc.
Tính sơ trong năm 2019, chị Dung đã mất hơn 50 triệu vì nhận tiền hàng qua chuyển khoản sai thông tin người nhận như thế này. Ảnh: NVCC |
Chị Dung cho biết thêm: "Tài khoản N.H mua rất nhiều hàng của tôi nhưng khi chuyển khoản lại ghi thiếu 3 số 0 đằng sau số tiền cần gửi. Ví dụ như món hàng có giá trị "năm triệu ba trăm mười lăm ngàn" thì người này lại thường xuyên ghi 5.315 đồng. Tài khoản của tôi vẫn cộng tiền nhưng do tôi mất cảnh giác, không xem kỹ nên chỉ nhận mấy ngàn đồng đã chuyển hàng đi cho khách. Tôi liên hệ với người giao hàng của tôi ở Hà Nội thì các đơn hàng của Nguyễn Hoa và Lan Phạm đều ghi địa chỉ một đằng và nhận hàng ở một nẻo".
Một giao dịch có giá trị hơn 2 triệu đồng nhưng tài khoản của chồng chị Dung mới chỉ nhận 2.110 đồng. |
Bản thân là người "săn sale" hàng hiệu nên nhiều năm qua, chị Dung được nhiều chị em ủng hộ. Mỗi ngày, chị Dung ước tính nhận được khoảng từ 200 - 400 giao dịch nên rất bận rộn. Chính vì bận rộn nên cứ nhìn thấy hình ảnh khách chụp màn hình số tiền đã trừ trong tài khoản hoặc thấy tài khoản mình báo cộng tiền là chị Dung cho chuyển hàng đi mà không kiểm tra kỹ tin nhắn.
Chị Dung cho biết, hiện đang nhờ phía ngân hàng hỗ trợ sao kê các giao dịch dưới 100.000 đồng từ năm 2017 đến nay. Nếu nhận thấy mức thiệt hại quá lớn, chị Dung cũng sẽ nhờ pháp luật can thiệp.
Hình thức lừa đảo không mới?
Hình thức lừa đảo chuyển tiền mua hàng nhưng ghi thiếu đơn vị hoặc ghi sai tên người thụ hưởng không còn mới lạ.
Vừa qua, tài khoản facebook P.L đăng tải thông tin về một nam khách hàng ở TP Buôn Ma Thuật (Đắk Lắk) giao dịch mua hàng nhưng ghi thiếu 3 số 0 khi chuyển tiền. Khi phát hiện sự việc thì nạn nhân này đã không thể liên lạc với nam khách hàng.
Trao đổi với PV, chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết: "Thứ nhất, giao dịch thành công là khi người chuyển tiền ghi đúng thông tin và số tiền cần gửi cho người thụ hưởng, trong đó bao gồm cả đơn vị nghìn đằng sau các dãy số. Đây là nguyên tắc hoạt động khi giao dịch tiền của ngân hàng.
Thứ hai, trong các giao dịch chuyển tiền nói chung, ngân hàng chủ yếu dựa vào số tiền gửi thể hiện bằng chữ.
Thứ ba, giao dịch chuyển tiền từ ngân hàng này sang ngân hàng kia nhưng có tính quốc tế, tức là ở quốc gia khác thì các giao dịch chuyển tiền đều được bảo mật bởi hệ thống bảo mật quốc tế, có tên là Swift".
Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đây cũng là một hình thức lừa đảo, lợi dụng sơ hở của người thụ hưởng mà thực hiện các giao dịch không đúng với thỏa thuận ban đầu. |
"Vì vậy, trong trường hợp người gửi tiền sơ ý để dẫn tới thiếu sót thì người thụ hưởng đề nghị người gửi thao tác lại.
Tuy nhiên, trong trường hợp có chủ đích thì người thụ hưởng có thể cậy nhờ ngân hàng in sao kê và chứng nhận các giao dịch có giá trị thấp. Nếu đầy đủ bằng chứng và không thể thỏa thuận để giải quyết trên tinh thần tự nguyện thì người thụ hưởng bị thiệt hại có thể đưa ra tòa án để giải quyết", TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay.
Cũng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, đây cũng là một hình thức lừa đảo, lợi dụng sơ hở của người thụ hưởng mà thực hiện các giao dịch không đúng với thỏa thuận ban đầu. Vì vậy, người thụ hưởng, tức người nhận tiền cần coi những hình ảnh chụp lại giao dịch thành công là một thông tin để mang tính tham khảo, chứ không phải có tính xác nhận trước khi chuyển hàng. Chỉ khi tài khoản báo nhận được số tiền tương ứng với giá trị món hàng thì người thụ hưởng mới nên bắt đầu thực hiện giao dịch bán hàng hóa.
(Theo Gia đình & Xã hội)