Ngày 17/2, theo thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, bệnh nhân là bé N.G.H, 6 tháng tuổi (quê Hải Dương) nhập viện trong tình trạng khó thở, khàn tiếng, ho, nôn ra máu. Qua thăm khám và hội chẩn, bác sĩ xác định bệnh nhi có dị vật ở thực quản khiến khu vực này bị phù nề, xung huyết.
Ngay lập tức, bác sĩ chỉ định thực hiện thông khí đường thờ và nội soi cấp cứu gắp dị vật là mặt dây chuyền kim loại kích thước 2x2cm. Sau thủ thuật, sức khỏe của trẻ đã ổn định.
Ngoài tìm thấy dị vật ở đường thở, các bác sĩ còn phát hiện trẻ bị viêm tai giữa và viêm mũi cấp khiến tình trạng suy hô hấp nặng hơn.
Theo BSCKI Lê Cảnh Nhật, Khoa Hô hấp - Tim mạch - Tiêu hóa - Thần kinh, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, dị vật đường thở là một tai nạn thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 2 tuổi. Đây là tình trạng cấp cứu khẩn, nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn đến hậu quả nặng nề như tổn thương não không hồi phục, thậm chí gây tử vong.
Trẻ hóc dị vật thường có các biểu hiện như đột ngột ho sặc sụa, khó thở, không khóc, tím tái nhanh chóng, lờ đờ, lơ mơ hoặc hôn mê… tùy mức độ hóc, kích thước dị vật.
Để phòng tránh hóc dị vật các cha mẹ nên chú ý:
- Để xa tầm với của trẻ nhỏ tất cả các vật dụng nhỏ có thể gây nguy hiểm cho trẻ, nhất là những vật dụng tròn, sắc nhọn và trơn dễ rơi vào đường thở.
- Không ép trẻ ăn, uống khi đang khóc hoặc không nên nô đùa khi có thức ăn trong miệng.
- Luyện cho trẻ thói quen không cho các vật và đồ chơi vào miệng ngậm mút, nhất là các đồ chơi sắc nhọn, bằng kim loại...
- Không cho trẻ ăn thức ăn dễ hóc như lạc, thạch, nhãn...