Ngày 14/2, bác sĩ Mai Hóa, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM), cho biết trường hợp này là bệnh nhân 60 tuổi, nhập viện với biểu hiện đau bụng vùng hạ sườn phải, sốt. Kết quả xét nghiệm và chụp MRI bụng khẳng định đây là trường hợp viêm đường mật do sỏi trong gan trái gây tắc nghẽn.

Bệnh nhân được xử trí truyền kháng sinh để điều trị nhiễm trùng, phẫu thuật cắt gan trái có chứa sỏi và nội soi đường mật trong mổ lấy sỏi. 7 ngày sau, người bệnh nhồi phục sức khoẻ và ra viện.

Theo bác sĩ Mai Hóa, sỏi mật nằm trong các ống gan phải hoặc trái được gọi là sỏi đường mật trong gan hoặc sỏi gan. Bệnh thường gặp nhiều ở các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Một phần sỏi mật trong gan của bệnh nhân 60 tuổi. Ảnh: BSCC.

Theo bác sĩ Mai Hóa, gan có nhiệm vụ sản xuất mật để tiêu hóa chất béo, đồng thời giúp khử độc và loại bỏ các chất thải ra khỏi cơ thể. Mật từ tế bào gan sẽ tiết ra theo ống gan chảy ra các ống mật, theo ống mật chính đổ vào túi mật và xuống ruột.

Sỏi đường mật trong gan thường được phát hiện qua siêu âm bụng. Đây thường là sỏi sắc tố, thành phần chính là bilirubin.

Nguyên nhân làm phát sinh bệnh chủ yếu là ký sinh trùng đường ruột chui lên đường mật, mang theo vi khuẩn làm thay đổi khả năng hòa tan của bilirubin, kết hợp trứng và xác giun tạo thành nhân sỏi. 

Sự rối loạn chức năng gan (xơ gan, viêm gan do thuốc, viêm gan siêu vi... ) gây mất cân bằng các thành phần trong dịch mật hoặc giảm vận động đường mật (thường gặp ở người béo phì, lười vận động…) cũng là nguyên nhân gây ra sỏi đường mật trong gan.

Ở giai đoạn đầu, người bệnh có biểu hiện đầy chướng, chậm tiêu sau ăn. Khi sỏi gây biến chứng, người bệnh có thể gặp phải một trong ba dấu hiệu điển hình sau:

Cơn đau quặn gan: Thường xuất hiện sau bữa ăn no, đau dữ dội và đột ngột, có thể lan ra vai phải. Cơn đau làm người bệnh khó khăn khi di chuyển, kéo dài từ 15 phút đến vài giờ và có tính chất chu kỳ.

Sốt cao: Sốt cao có thể rét run kèm theo vã mồ hôi.

Vàng da: Khi dịch mật bị ứ trệ tại gan, bilirubin (sắc tố mật có màu vàng) thấm vào máu làm da và củng mạc mắt có màu vàng.

Bệnh sỏi trong gan thường dễ gây biến chứng hơn so với sỏi tại các vị trí khác trong đường mật. Người bệnh có thể bị nhiễm trùng đường mật, viêm gan, áp xe gan, xơ gan... Ngoài ra, nhiễm trùng huyết là biến chứng cấp cứu, đặc biệt nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng.

Khoảng 3-10% có thể bị biến chứng sang ung thư đường mật trong gan. Khi đó, người bệnh thường chỉ sống được vài tháng đến vài năm. 

Theo bác sĩ Hóa, do sỏi nằm rải rác và sâu trong gan, sỏi làm ứ trệ dịch mật, có thể làm chít hẹp đường mật từng đoạn, gây khó khăn khi làm các thủ thuật can thiệp. Thuốc làm tan sỏi hầu hết không có tác dụng vì sỏi gan có thành phần chính là bilirubin.

Phương pháp tốt nhất được lựa chọn hiện nay là phẫu thuật nội soi lấy sỏi hoặc phẫu thuật nội soi lấy sỏi xuyên gan qua da. Đây là cách can thiệp giúp bệnh nhân hồi phục nhanh.