Mấy ngày qua, dư luận xôn xao về một clip được cho là của một quan chức ngành Thanh tra với những lời lẽ nhằm cấm cửa báo chí; “dạy" cách bưng bít thông tin, đối phó với báo chí trong quá trình thanh tra. 

Ông ấy “khuyên" thế này: “Kể cả trong quá trình thanh tra, không tiếp khách, không tiếp báo chí (trừ báo Đảng). Tôi nói rõ bất kỳ nhà báo nào vào quấy nhiễu, các đồng chí cứ điện trực tiếp cho tôi.…”.

Sao trong thời đại này mà vẫn có tư duy cấm cửa báo chí nhỉ? Thật ra chỉ khi nào sai, có “lợi ích” khác với dân với nước, người ta mới phải “sợ” đến mức như vậy. 

Tôi còn nhớ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói về báo chí thế này: luôn đi đầu bám sát thực tiễn sinh động chủ động đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, trì trệ, tham nhũng, lãng phí; đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; tham gia phản bác các luận điệu thù địch, xuyên tạc; bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng”.

{keywords}

Xem ra bưng bít thông tin, cấm cửa nhà báo là đi ngược sự phát triển tự nhiên. 

Tuy nhiên khi xem lại clip của vị quan nọ một cách bình tĩnh, và dám đặt câu hỏi nghiêm túc: Vì sao ông ấy, và nhiều người khác đang ghét báo chí một cách cực đoan như vậy?

Nói thẳng luôn, cũng như nhiều ngành nghề khác, nghề báo cũng có người tử tế, nghiêm túc và cũng có cả những con sâu đã lợi dụng những kẽ hở trong chính sách len lỏi vào. 

Chúng ta đều biết, cả xã hội cũng biết, những con sâu này không làm báo, họ làm tiền. Đây đó người ta đã nói về chuyện những nhà báo tiếp tay cho các nhóm lợi ích. Đây đó người ta đã nói về chuyện những nhà báo nhận đồng tiền từ các tập đoàn cá mập để đưa tin một chiều hoặc chọn cách im lặng. Và còn vô khối những câu chuyện khác. 

Thi thoảng trên báo lại có cái tin về chuyện một nhà báo tham gia “tống tiền doanh nghiệp”. Đã có những con sâu trong làng báo bị lôi ra ánh sáng, bị khởi tố, bị điều tiếng để đời do có các hành vi không đúng tôn chỉ của nghề báo. Hãy thử vào google gõ cụm từ “nhà báo tống tiền doanh nghiệp”. Trong tích tắc, có tới  146.000 kết quả.

Tôi biết, cả xã hội cũng biết, có những tòa soạn thực hiện “khoán” cho nhân viên, phóng viên thực hiện ký hợp đồng với doanh nghiệp. Năng lực, hiệu quả công việc được đánh giá trên số tiền ký được. 

Thủ đoạn “gây sự cố gặt hợp đồng” đã trở thành nỗi ám ảnh đối với các doanh nghiệp, các địa phương. 

Bởi thế mới đây thôi, khi nói về mối quan hệ mờ ám giữa một số con sâu trong làng báo và những nhóm lợi ích, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã gọi thẳng đó là “truyền thông bất lương”. 

Nhận diện nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong lĩnh vực báo chí và một số giải pháp khắc phục”, người đứng đầu Bộ Thông tin- Truyền thông nghiêm khắc chỉ ra: 

Một số tờ báo, trang tin câu kết với một bộ phận doanh nghiệp và một số cán bộ, công chức để lũng đoạn chính sách, thực hiện chiến dịch truyền thông tạo lợi thế để một số doanh nghiệp làm ăn bất chính, gây bất lợi cho doanh nghiệp khác. 

Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp, đơn vị sản xuất được một số tờ báo ca ngợi, biến thành địa chỉ kinh doanh lành mạnh, phát đạt, đáng tin cậy,... nhằm thu hút đầu tư, tăng hấp dẫn để bán sản phẩm; tô vẽ thành tích cho một số cá nhân để biến họ thành người thành đạt, kinh doanh giỏi,... 

Sau một thời gian, tất cả vỡ lở, doanh nghiệp hoặc đơn vị sản xuất được ca ngợi chỉ là nơi làm ăn thua lỗ, tài sản của Nhà nước thất thoát nghiêm trọng; cá nhân được tô vẽ thì bị phát hiện là lừa đảo, tham nhũng, có người phải nhận án tù”…

Đồng thời ông cũng lưu ý, đừng vì một bộ phận tha hóa, một con sâu đó mà lại cấm cửa các nhà báo, không công khai minh bạch, bưng bít thông tin… Vì đó là ngăn cản sự phát triển của xã hội, là đi ngược lại chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Xem ra, chủ trương qui hoạch báo chí cùng với việc xây dựng lại, sớm ban hành Qui định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam là một bước đi quan trọng, nhằm loại bỏ và ngăn chặn những con sâu, lấy lại uy danh cho nghề báo. 

Nguyễn Đăng Tấn