- Có thực tế xe quá tải gắn biển đỏ giả, bằng giả, đăng kiểm giả, xe hết niên hạn sử dụng mà vẫn ngang nhiên lưu hành. Bộ GTVT sẽ cùng Bộ Công an và Quốc phòng quyết liệt xử lý.

Tại hội thảo lấy ý kiến sửa đổi nghị định 171 hôm nay, nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra xung quanh việc dự thảo sửa đổi tăng mức xử phạt với các hành vi vi phạm.

Ông Bùi Đức Thuận, Phó trưởng phòng CSGT Hà Tĩnh cho rằng, người lái ô tô vi phạm nồng độ cồn bị phạt tước GPLX đến 12 tháng là chưa phù hợp. Bởi, phương tiện được người dân sử dụng mưu sinh nên ngay cả khi tước GPLX thì người dân vẫn “lén lút” sử dụng và tiếp tục gây mất ATGT.

Từ ý kiến đưa ra, theo ông Thuận, mức phạt điều chỉnh cần phù hợp với điều kiện sống của người dân.

{keywords}
Dự thảo sửa đổi nghị định 171 đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân.

Thượng tá Nguyễn Duy Đông, Phó trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An cho cũng cho rằng mức phạt vi phạm nồng độ cồn mức B (vượt quá 50 đến 80 mg/100 ml máu hoặc 0,25mg đến 0,4 mg/lit khí thở) là khá phổ biến.

Lỗi vi phạm này bị phạt từ 7-8 triệu thường do trưởng phòng CSGT ra quyết định xử phạt. Thế nhưng, dự thảo nghị định dự kiến sẽ tăng lên từ 8-12 triệu lại vượt quá thẩm quyền xử phạt của trưởng phòng CSGT mà thuộc thẩm quyền của giám đốc công an tỉnh.

Thượng tá Đông cũng nói cần hạ mức phạt xuống thấp hơn để phòng CSGT có thể ra quyết định xử phạt, bởi nếu áp dụng theo mức phạt cao thì tỉnh phải cần 10 Giám đốc Công an tỉnh ký quyết định xử phạt hàng ngày.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, thẩm quyền xử phạt còn nhiều vướng mắc. Đưa thẩm quyền cao mà khi giải quyết phải trình qua nhiều cấp, hiệu quả sẽ không cao. Do vậy, tổ soạn thảo sẽ tiếp thu để trong quá trình triển khai thực hiện thuận lợi và hiệu quả hơn.

Trong khi đó, một số ý kiến lại cho rằng cần tăng mức phạt đối với một số hành vi vi phạm trật tự ATGT để tăng tính răn đe.

Thượng tá Nguyễn Thành Viên, Phó trưởng phòng CSGT Hà Nam cho rằng, các hành vi lỗi chủ quan như vượt đèn đỏ, ra tín hiệu dừng xe nhưng lái xe bỏ chạy, xe hợp đồng trá hình chạy luồn lách đón khách... cần nâng mức xử phạt cao là phù hợp. Đặc biệt, đối với hành vi xe không được quyền ưu tiên nhưng lại lắp thiết bị ưu tiên phải phạt thật nặng.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Thân Văn Thanh đánh giá phải xem xét mức phạt đủ răn đe nhưng cũng cần cân nhắc khả năng chỉ trả của người dân sao cho phù hợp, tránh việc mức phạt quá cao so với thu nhập.

Nhiều ý kiến cũng đề xuất áp dụng tịch thu biển số xe quá tải vì có tình trạng lái xe vi phạm đã chống đối bằng cách bỏ xe, không trình giấy tờ gây khó khăn cho công tác xử phạt.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết những hành vi tiềm ẩn, là nguyên nhân khi xảy ra TNGT gây hậu quả nghiêm trọng thì cần nâng mức xử phạt để răn đe, như hành vi uống rượu bia khi lái xe, chở hàng quá tải.

Đặc biệt với hành vi xe chở quá tải trọng đang diễn biến hết sức tinh vi nhưng chưa được đề cập hết. Hành vi mua bán logo hiện cũng đang diễn biến rất phức tạp, nếu không nâng mức xử phạt không chỉ ảnh hưởng đến hệ thống cầu đường mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội.

“Có thực tế xe quá tải gắn biển đỏ giả, bằng giả, đăng kiểm giả, xe hết niên hạn sử dụng mà vẫn ngang nhiên lưu hành. Những đối tượng này cần xử phạt mạnh, phạt một lần phải chấm dứt ngay”. Thứ trưởng Thọ cho biết sắp tới Bộ GTVT sẽ cùng Bộ Công an và Quốc phòng quyết liệt xử lý.

Vũ Điệp