Cây mận đỏ hay còn gọi Chí Kháy Là đã có từ lâu trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì. Trước đây giống mận này không có giá trị, nhưng mấy năm gần đây, cây mận đỏ đã mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình ở Hoàng Su Phì. Nhờ thế, cuộc sống của bà con đã bớt khó khăn. 

Theo số liệu mới nhất, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn huyện Hoàng Su Phì giảm từ 61,4%  năm 2015 xuống còn 36,575 vào đầu năm nay.

{keywords}
Gần đây, cây mận đỏ đã trở thành nguồn thu nhập chính, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều gia đình ở huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.

Có hộ gia đình thu nhập từ vườn mận bằng cả vụ thu hoạch ngô, đậu

Theo bà con cho biết, mận đỏ rất dễ trồng. Vào mùa mưa, chỉ cần đào cây con có sẵn trong vườn, cuốc hố vừa phải đặt cây mận xuống, lấp đất vào gốc cho chặt là được. Cây con trồng sau từ 3 đến 4 năm trồng là bắt đầu cho thu hái. Mận không kén đất, có thể trồng bất cứ chỗ nào trong vườn, ngay cả cạnh bờ rào cây mận vẫn phát triển và cho thu hoạch.

Gia đình bà Tải Thị Seo ở thôn Suối Thầu, xã Chiến Phố có hơn 5 ha cây mận đỏ, trong đó có hơn 2 ha cây đang cho thu hoạch. Mặc dù gia đình bà Seo đầu tư đủ cả, từ chăn nuôi cho đến trồng lúa và chè, song nguồn thu từ cây mận đỏ là nguồn thu nhập chủ lực. 

Gia đình chị Tải Thị Chúm cũng có gần 4 ha cây mận đỏ, trong đó cây đang cho thu hoạch có khoảng hơn 1 ha. Thu nhập từ cây mận đỏ năm nào nhiều được khoảng gần 60 triệu đồng, năm ít thu được khoảng 30 đến 40 triệu đồng.

Huyện đã có phương án phát triển cây mận đỏ gắn với du lịch

Theo anh Phạm Hồng Quảng, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoàng Su Phì, vài năm trở lại đây loại mận này đang rất được ưa chuộng, giá thành dao động từ 40 - 80 nghìn đồng/kg. Xác định đây là cây có giá trị kinh kế cao, mang lại thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn, từ năm 2012, huyện Hoàng Su Phì đã có phương án phát triển loại cây này gắn với phát triển du lịch.

Từ năm 2018, UBND huyện Hoàng Su Phì đã ban hành Phương án Phát triển cây Lê và mận Máu theo hướng hàng hóa giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2025; trong đó, xã Chiến Phố nằm trong vùng quy hoạch trọng điểm phát triển cây mận Máu.

UBND huyện Hoàng Su Phì cũng phối hợp với Viện nghiên cứu Rau quả (thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) thực hiện Đề tài khoa học cấp Bộ được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2023 về “Khai thác và phát triển nguồn gen bản địa cây mận máu tại Hà Giang.

Đồng thời, huyện Hoàng Su Phì bắt tay vào xây dựng mô hình thâm canh quy mô, xây dựng kỹ thuật chăm sóc, xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm mận máu, Chí Kháy Là.

Cùng với đó là cơ chế hỗ trợ 100% cây giống và kỹ thuật trồng, chăm sóc, hỗ trợ chi phí xây dựng mô hình,… chính quyền Hoàng Su Phì tin tưởng đây sẽ là cơ hội tốt để xã mở rộng diện tích, ứng dụng kỹ thuật vào trồng, chăm sóc cây và hướng đến phát triển bền vững cây mận Máu địa phương theo hướng sản xuất tập trung hàng hóa, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân.

Hồng Hạnh