Ngày 20/5, UBND TP Đà Nẵng và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế “Đô thị thông minh: Kinh nghiệm của một số nước Tây, Bắc Âu và tầm nhìn Đà Nẵng”.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, việc triển khai xây dựng TP thông minh là xu hướng chung của thể giới, được Thành ủy, UBND TP nhận thức và quyết tâm hành động trong quá trình xây dựng phát triển bền vững TP.

Từ năm 2010, Đà Nẵng đã ban hành Kiến trúc chính quyền điện tử và năm 2014 đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin chính quyền điện tử TP. Đến năm 2014, TP bắt đầu triển khai thí điểm một số ứng dụng thông minh trong các lĩnh vực như: giao thông, môi trường, y tế, giáo dục...

Hội thảo quốc tế “Đô thị thông minh: Kinh nghiệm của một số nước Tây, Bắc Âu và tầm nhìn Đà Nẵng” diễn ra ngày 20/5

Năm 2018, TP đã ban hành Kiến trúc TP thông minh bao gồm 6 trụ cột và 16 lĩnh vực ưu tiên; ban hành, triển khai Đề án xây dựng TP thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định lộ trình cụ thể và các chương trình, dự án ưu tiên như cung cấp dịch vụ công thông minh, giao thông, an ninh trật tự, môi trường, cấp điện, cấp nước, phòng chống thiên tai…

Đặc biệt, ngày 28/8/2021, TP đã ban hành Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn TP đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó xác định chuyển đối số là “chìa khóa” để giải quyết “điểm nghẽn” của TP để mở ra không gian phát triển mới cũng như để đạt mục tiêu của Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị.

“Đến nay, TP đã đạt được một số kết quả tích cực, chuyển quản lý, điều hành và cung cấp dịch vụ công từ truyền thống sang dựa trên dữ liệu số và công nghệ số. Thành phố đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao trong quá trình xây dựng TP thông minh. Để triển khai TP thông minh thành công, Đà Nẵng đặt ra nhiều giải pháp quan trọng, trong đó tăng cường hợp tác với các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và quốc tế...”, Phó Chủ tịch Hồ Kỳ Minh cho biết.

“Đô thị thông minh phải lấy người dân làm trung tâm”

Ông Hans-Peter Glanzer, Đại sứ Cộng hoà Áo tại Việt Nam cho biết, trên toàn cầu các thành phố thông minh đang trở thành yếu tố tiên phong cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Ngày càng nhiều người di chuyến đến sinh sống ở các thành phố, Việt Nam cũng vậy tỷ lệ này đang tăng lên.

Ông Hans-Peter Glanzer chia sẻ, Vienna thủ đô của Áo, với gần 2 triệu dân, đã thông qua Chiến lược khung về thành phố thông minh vào năm 2014. Chiến lược khung này đã được cập nhật, sửa đổi vào năm 2019, xác định chất lượng cuộc sống cao cho mọi người ở Vienna thông qua đổi mới xã hội và kỹ thuật trong mọi lĩnh vực, đồng thời bảo tồn tối đa các nguồn tài nguyên.

Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu, mức độ phát thải CO2 trên đầu người trong lĩnh vực giao thông vận tải giảm 50% vào năm 2030 và 100% vào năm 2050. Việc chia sẻ phương tiện đi lại tại Vienna được thực hiện bởi hình thức vận tải thân thiện với môi trường bao gồm đi bộ, đi xe đạp, phương tiện giao thông công cộng hoặc đi chung xe ô tô….

Ông Hans-Peter Glanzer, Đại sứ Cộng hoà Áo tại Việt Nam cho biết, trên toàn cầu, các thành phố thông minh đang trở thành yếu tố tiên phong cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

TS. Trần Ngọc Linh, chuyên gia Cục phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng cho biết, đến thời điểm hiện nay, cả nước có 57 địa phương đã và đang triển khai các nội dung liên quan đến phát triển đô thị thông minh, trong số đó 44/63 tỉnh/TP đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh.

Theo ông Linh, trong đề án đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp cho phát triển đô thị thông minh, bền vững ở Việt Nam. Trong đó có thể kể đến việc rà soát, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, định mức kinh tế kỹ thuật và ban hành các hướng dẫn về phát triển đô thị thông minh bền vững. Từng bước hình thành và hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về lĩnh vực đô thị thông minh, thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản và nghiên cứu ứng dụng đô thị thông minh bền vững. Cùng với đó, hình thành kết nối liên thông, duy trì và vận hành hệ thống dữ liệu không gian đô thị số hóa và cơ sở dữ liệu đô thị quốc gia…

“Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng tốc, điều phối sự phát triển của các đô thị thông minh, giải quyết các vấn đề mà đô thị không thể tự giải quyết. Trong đó, Trung ương cần xây dựng các chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn chung; thúc đẩy sự hợp tác và phối hợp giữa các bên liên quan; khuyến khích các nỗ lực hỗ trợ cho phát triển đô thị thông minh; hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, thử nghiệm các dự án, ứng dụng mới…

Đối với địa phương phải thận trọng, không phát triển đô thị thông minh theo phong trào; rà soát tổng thể tiềm lực, ưu thế từ đó xác định cụ thể ứng dụng lĩnh vực nào, kết quả theo từng giai đoạn; phát triển đô thị thông minh phải lấy người dân làm trung tâm...”, ông Linh cho hay.

Hồ Giáp