Mô hình thành phố ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống đô thị, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên… là những định nghĩa cơ bản về đô thị thông minh mà nhiều quốc gia trên thế giới đang từng bước xây dựng và phát triển trong những năm gần đây.

Đại dịch Covid-19 bùng phát gần 2 năm qua đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình xây dựng, phát triển thành phố thông minh với nhiều bài toán về thu thập, quản lý dữ liệu, giải pháp phòng chống dịch, quy hoạch, vận hành và quản lý cho các tỉnh, thành phố và đặc biệt là cho giai đoạn phục hồi và phát triển như hiện nay.

{keywords}
Thành phố Thái Nguyên đang hướng tới mô hình đô thị thông minh

“Cùng với chuyển đổi số, thành phố thông minh đang trở thành một trong những chuẩn mực để phát triển, trở thành một trong những phương thức mới của các đô thị trong kỷ nguyên thông minh hóa, giúp các đô thị tối ưu hóa các nguồn lực, phát triển bền vững, đem lại sự an toàn, tiện ích hơn cho người dân và phát triển kinh tế”, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đánh giá.

Thuận lợi của Việt Nam là sự đồng thuận về việc phát triển thành phố thông minh từ Trung ương đến địa phương. Những năm gần đây, vấn đề phát triển thành phố thông minh tại Việt Nam đã được thảo luận sôi nổi rộng khắp.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 950 phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung để đến năm 2030 sẽ hình thành một chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế này, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.

Với vai trò quản lý nhà nước về chuyển đổi số quốc gia nói chung, trong đó có nội dung ICT cho phát triển thành phố thông minh, thời gian vừa qua, Bộ TT&TT đã nỗ lực, tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các địa phương để thúc đẩy triển khai đô thị thông minh bền vững tại Việt Nam.

Bộ TT&TT cũng đã sớm ban hành một số văn bản hướng dẫn tạo khung pháp lý trong lĩnh vực ICT cho phát triển đô thị thông minh bao gồm Khung tham chiếu ICT, Bộ chỉ số KPI phát triển đô thị thông minh và các nội dung về ứng dụng CNTT để cung cấp các dịch vụ, tiện ích đô thị thông minh.

Trong khu vực, Việt Nam đang là quốc gia tích cực xây dựng thành phố thông minh. Năm ngoái, trong bối cảnh của đại dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp trên toàn cầu, Hội nghị ASCN 2020 đã được nước Chủ tịch luân phiên Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tuyến, với sự tham gia của hơn 40 điểm cầu chính là đại diện các quốc gia thành viên và đại diện các đô thị thành viên, Ban thư ký ASEAN và các đối tác ngoài Mạng lưới.

Chủ đề xuyên suốt cho các hoạt động của ASCN 2020 là “Đô thị thông minh - hướng tới cộng đồng, bản sắc và phát triển bền vững vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”. Theo đó, các hoạt động được tổ chức hướng tới mục tiêu: Thúc đẩy sự đa dạng trong sự thống nhất; Thúc đẩy sự tham gia tích cực và hợp tác thống nhất của các thành viên; Thúc đẩy các chương trình nghị sự với các đối tác ngoài khối; Thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân; Duy trì và phát triển các đối thoại của Mạng lưới.

Hiện, đã có có gần 40 địa phương tại Việt Nam đang triển khai xây dựng các mô hình thành phố thông minh. Tuy nhiên, thực tế triển khai tại Việt Nam cho thấy vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức cho các lãnh đạo các thành phố, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp.

Để xây dựng thành phố thông minh một cách tiết kiệm, hiệu quả, các tỉnh, thành phố nên sử dụng nguồn lực địa phương một cách tối ưu nhất, áp dụng công nghệ để đưa ra các phân tích chính xác, phù hợp, từ đó đáp ứng và giải quyết nhu cầu của từng người dân. 

Giới chuyên gia gợi ý, các địa phương nên dành từ 1-2% nguồn chi đầu tư của tỉnh để xây dựng hạ tầng thành phố thông minh. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm đến việc đào tạo người dân để họ có đủ năng lực thụ hưởng các thành quả mà việc phát triển thành phố thông minh mang lại.

Lê Na