Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 có nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý.

Những khu vực này có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với trồng cây dược liệu nên qua đó giúp người dân giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế vùng. Thời gian qua, Bộ Y tế cũng đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nguồn dược liệu trong nước. 

Sáng 16/11, ông Nguyễn Thế Thịnh – Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền, Bộ Y tế cho biết, hiện nay nhiều đơn vị sản xuất dược liệu theo chuỗi phát triển từ trồng trọt tới chế biến, cung cấp ra thị trường. Tuy nhiên, còn nhiều đơn vị sản xuất nuôi trồng dược liệu, các địa phương triển khai dự án phát triển dược liệu còn lúng túng chưa tiếp cận được với kinh doanh, chưa liên kết, giao lưu giao thương để phát huy hết giá trị của y dược cổ truyền.

Ngoài ra, hiện nay còn tình trạng chế biến dược liệu với quy mô nhỏ lẻ, tự phát, phụ thuộc vào nguồn dược liệu cung cấp từ nước ngoài. Các địa phương còn thiếu vắng sự đầu tư của các doanh nghiệp dược theo chuỗi sản xuất, tiêu thụ dược liệu khiến hiệu quả kinh tế chưa cao.

duoc lieu.png
Vườn dược liệu Actiso tại Sa Pa, Lào Cai. Ảnh: Phương Anh

Vì vậy, Bộ Y tế luôn tích cực công tác tuyên truyền về việc tăng cường xúc tiến thương mại, thúc đẩy nuôi trồng, khai thác, kinh doanh dược liệu, thúc đẩy khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, tạo cầu nối mua sắm thuốc y học cổ truyền phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuyên truyền giới thiệu dược liệu an toàn, dược liệu sạch tới người tiêu dùng, an toàn sức khỏe. 

Cơ quan quản lý về y học cổ truyền, Bộ Y tế cũng từng bước đưa các thuốc từ dược liệu, nhất là các bài thuốc của người dân tộc tại Việt Nam đến với người dân. Hướng dẫn người dân cách phát triển dược quý hiếm, bảo tồn các loài dược liệu tự nhiên tránh nguy cơ tuyệt chủng.

Hiện nay, việc đưa cây dược liệu về cho bà con vùng dân tộc thiểu số khó khăn đã giúp bà con nâng cao đời sống như tại các tỉnh Quảng Bình, Lào Cai, Sơn La, Kon Tum. Phát triển dược liệu cũng là cách cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững cho bà con vùng dân tộc thiểu số tại Việt Nam. 

Với mục tiêu kết nối và hình thành hệ thống chuỗi giá trị phát triển dược liệu quý vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nguồn dược liệu trồng và thu hoạch được đảm bảo các quy trình và tiêu chuẩn quản lý chất lượng góp phần đảm bảo đầu ra sản phẩm dược liệu sản xuất trong vùng và tăng thu nhập ổn định cho người dân.

Bộ Y tế cũng chú trọng ý thức bảo tồn gen dược liệu quý, bảo vệ và phát triển rừng, ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chuỗi dược liệu và sản phẩm từ dược liệu, xúc tiến thuơng mại.

Bên cạnh đó, hình thành ý thức bảo tồn nguồn gen dược liệu, bảo vệ và phát triển rừng đảm bảo phát triển bền vững; Ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng hệ thống kết nối chuỗi giá trị dược liệu và sản phẩm từ dược liệu được quản lý nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng và xúc tiến thương mại điện tử cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số.

Năm nay, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tổ chức Hội chợ Dược liệu y dược cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu toàn quốc lần thứ II vào tháng 12/2023. Đây sẽ là nơi trưng bày các sản phẩm dược liệu, nguồn dược liệu quý hiếm và là cầu nối giữa doanh nghiệp và các địa phương để tìm hướng phát triển cho dược liệu. 

Theo báo cáo của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, thống kê từ năm 2015 đến nay cho thấy tỷ lệ dược liệu và thuốc dược liệu không đảm bảo chất lượng giảm đi nhiều.

Cụ thể, nếu như vào năm 2010, khoảng 7-10% mẫu dược liệu được lấy trên thị trường không đảm bảo chất lượng thì đến nay chỉ còn hơn 1%.

Như vậy, chất lượng thuốc dược liệu ở cơ sở công lập đã được kiểm soát, tạo đà cho dược liệu phát triển. 

Phương Anh