Kiến trúc xanh đang là một xu hướng tất yếu mà kiến trúc Việt Nam cần hướng đến nhằm bảo đảm tính bền vững cho môi trường, sức khỏe người sử dụng.
Giai đoạn đầu của quá trình đổi mới, đô thị hóa được đẩy mạnh gắn với quá trình xây dựng dẫn đến xu thế công nghiệp hóa kiến trúc. Đất đai đắt đỏ khiến những mảng xanh tự nhiên, hồ nước dần biến mất. Vật liệu nhân tạo thay thế dần vật liệu tự nhiên.
Tuy nhiên, khoảng chục năm trở lại đây, các công trình xanh bắt đầu xuất hiện và được chú trọng trong kiến trúc tại các vùng đô thị Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho biết, hiện cả nước có trên 400 công trình xanh với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 10 triệu m2, ở mức trung bình khá trong khu vực các nước ASEAN.
Năm ngoái, Việt Nam đứng thứ 28 trên thế giới về số lượng công trình xanh được đánh giá theo Tiêu chuẩn LEED (đánh giá, chứng nhận công trình xanh của Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ).
Có được kết quả này là nhờ, thời gian qua, việc phát triển công trình xanh tại các đô thị đã được Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo, triển khai, thực hiện.
Theo đó, tại Nghị quyết số 06/NQ-TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã nêu rõ việc khuyến khích sử dụng vật liệu xanh, xây dựng và phát triển hạ tầng xanh, công trình xanh, tiêu thụ năng lượng xanh tại đô thị.
Chính phủ cũng đã có Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị.
Bộ Xây dựng ban hành kịp thời quyết định để thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ. Trong đó, nội dung yêu cầu về phát triển công trình xanh gắn với công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý phát triển bền vững đô thị.
Tại Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị cũng đã đưa ra chỉ tiêu về số lượng công trình xanh của đô thị trong quá trình đánh giá, phân loại đô thị.
Sau khi Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 được ban hành, nhiều địa phương đã quan tâm và có hành động cụ thể để phát triển công trình xanh tại các đô thị trên địa bàn mình; gắn với việc phân loại, quản lý, phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững.
Hiện các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn, công cụ đánh và chứng nhận công trình xanh phổ biến tại Việt Nam đã khá đầy đủ, cụ thể, minh bạch.
Để thúc đẩy phát triển công trình xanh, sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, hạn chế các tác động đến môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu một số giải pháp về chính sách để đề xuất, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành.
Đơn cử như việc lồng ghép các nội dung về sử dụng năng lượng, sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu tác động môi trường trong các lĩnh vực ngành xây dựng cũng như giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan.
Cụ thể như tại các văn bản hướng dẫn Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản; quá trình nghiên cứu xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Cấp thoát nước...
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng nghiên cứu rà soát, sửa đổi quy định về phát triển công trình xanh, công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 15/2021/NÐ-CP; rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy chuẩn hiện hành như: QCVN 01:2021/BXD về Quy hoạch xây dựng, QCVN 09:2017/BXD về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả.
Đồng thời, nghiên cứu xây dựng quy chuẩn mới liên quan như: Quy chuẩn về kết cấu dạng nhà, Quy chuẩn về nhà công nghiệp... để quy định các yêu cầu kỹ thuật đối với chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc, kết cấu, hạ tầng kỹ thuật, sử dụng vật liệu xây dựng, trang thiết bị trong công trình...
Điều này nhằm khuyến khích việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước; khuyến khích việc tuần hoàn, tái chế, tái sử dụng các nguyên vật liệu, tài nguyên trong công trình; khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo; tăng tỷ lệ diện tích đất cây xanh, mặt nước trong khuôn viên công trình, khu vực dự án và của đô thị...