Ngày 14/6, Tạp chí Thông tin và Truyền thông, Báo VietNamNet (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) sẽ tổ chức Hội thảo quốc tế: “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số”. Nhân dịp này, VietNamNet có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Chử Văn Lâm, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy về vấn đề phát triển kinh tế báo chí nhằm đảm bảo khả năng tài chính bền vững cho hoạt động của một tòa soạn. 

PSX_20240612_165014.jpg
Tiến sĩ Chử Văn Lâm, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy. Ảnh: Lê Anh Dũng

BÁO CHÍ PHẢI TẬP TRUNG SẢN XUẤT NỘI DUNG SÂU, CHẤT LƯỢNG CAO VÀ ĐỘC QUYỀN HƠN

Trong bối cảnh hiện tại, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp 4.0, chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng làm thay đổi hầu hết các mô hình truyền thống. Về phương diện báo chí, cả báo in, báo mạng và những phương tiện truyền thông truyền thống khác đều đứng trước những cơ hội và thách thức lớn mà kỷ nguyên số đặt ra. Ở cương vị là người quản lý báo chí, ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

Báo chí ở Việt Nam sẽ giống với xu hướng thế giới, mặc dù chậm hơn một vài năm. Hiện nay báo chí thế giới đã thể hiện một số xu hướng nhất định mà báo chí Việt Nam cũng đang và sẽ theo đuổi. 

Một trong những xu hướng đó là các tờ báo tin tức nhanh dần mất đi sức hút vì không cạnh tranh được với mạng xã hội. Thay vào đó, báo chí sẽ phải tập trung sản xuất nội dung sâu hơn, chất lượng cao hơn và độc quyền hơn. Đồng thời xu hướng đa phương tiện cũng đang được nhấn mạnh. Đặc biệt việc sử dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tạo nhu cầu mạnh mẽ cho dữ liệu báo chí.

Báo chí dữ liệu đang là một mảng yếu ở Việt Nam do gặp khó khăn trong phát triển dữ liệu, ít dữ liệu chất lượng và hạn chế về sự đa dạng. 

Giống như xu hướng trên thế giới, ngành báo chí Việt Nam đang trải qua quá trình thu hẹp, đào thải, số lượng cơ quan báo chí giảm dần. Ở nhiều quốc gia, số lượng báo chí cũng đã giảm đi đáng kể, chỉ còn lại một số tờ báo có sức ảnh hưởng lớn. Điều này là do người đọc không có đủ thời gian để tiếp tục theo dõi nhiều nguồn tin. Họ lựa chọn các tờ báo uy tín để hiểu sâu vấn đề.

Vì vậy, cuộc đua trong ngành báo chí ngày càng trở nên khốc liệt. Các tờ báo phải nhanh chóng thích ứng và cập nhật để tồn tại trong môi trường thông tin ngày nay. 

TÍNH TOÁN ĐẦU RA CỦA SẢN PHẨM 

Bối cảnh hiện tại khi cơ hội không ít nhưng thách thức, khó khăn cũng không nhỏ, VnEconomy đã thích ứng thế nào trong câu chuyện phát triển kinh tế báo chí, để đảm bảo khả năng tài chính ổn định bền vững cho hoạt động của Tạp chí, thưa ông?

Muốn kinh tế báo chí phát triển, việc đầu tiên các tòa soạn phải giải quyết là khâu phân phối nội dung. Điều này cũng giống như với những người làm kinh doanh, phải tìm cách bán hàng, tức là tính toán đầu ra của sản phẩm. 

Trước kia tòa soạn phải in báo giấy, sau đó vận chuyển đến các sạp báo. Khâu phát hành thường chiếm hơn một nửa tiền bán báo, trong khi việc tiếp cận trực tiếp khách hàng gặp nhiều khó khăn. Để giải bài toán này, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy đã đưa sản phẩm tới người đọc dưới dạng số, thông qua nền tảng báo chí thu phí PostEnp của Công ty Phát hành báo chí Trung ương.

Thông qua các nền tảng số, việc phân phối sản phẩm báo chí trở nên đơn giản hơn, có thể phát hành tờ báo đến bất kỳ đâu mà không cần in ấn mới. Tòa soạn cũng có thêm thu nhập với mỗi “tờ báo” được bán ra mà không phải tiêu tốn thêm chi phí xuất bản, phát hành.

Sự xuất hiện của trợ lý hỏi đáp thông tin kinh tế - Askonomy – không chỉ giúp tạo thêm giá trị gia tăng cho phiên bản số của VnEconomy mà còn mang đến một cuộc cách mạng báo chí bằng công nghệ.

Khi trực tiếp sử dụng, độc giả sẽ nhận ra giá trị của một công cụ trợ lý thông tin chính thống với nội dung chất lượng như Askonomy. Với sự gia tăng của độc giả, các nhà quảng cáo cũng sẽ xuất hiện. Lợi ích do công cụ này mang lại vì thế sẽ rất lớn.

Khi phát triển trợ lý ảo Askonomy, chúng tôi đang đi tiên phong, làm thành mô hình để từ đó có thể nhân rộng ra các báo. Đây sẽ là con đường để giải bài toán kinh tế báo chí, vốn là vấn đề đau đầu của các tòa soạn báo Việt Nam.

AI VÀ CUỘC THAY ĐỔI CỦA BÁO CHÍ 

Câu chuyện phát triển Askonomy (một trợ lý ảo chuyên trả lời thông tin kinh tế) bắt đầu từ đâu, thưa ông? 

Askonomy khác với các chatbot khác như ChatGPT ở chỗ, trợ lý này được thiết kế để giải quyết các vấn đề nhỏ nhưng cụ thể cho từng doanh nghiệp, thay vì những bài toán lớn toàn cầu. 

Nếu so sánh, ChatGPT giống như một con khủng long, còn Askonomy như con kiến. ChatGPT rất tốn kém và mất thời gian để phát triển, cập nhật chậm, và dễ bị dạy sai, làm giảm độ tin cậy. Còn Askonomy dễ xây dựng và phù hợp về mặt thực tiễn cũng như chi phí, trong khi thông tin trả lời được lấy từ nguồn dữ liệu sạch đã được kiểm chứng bởi VnEconomy.

bao chi1.jpg
Trợ lý ảo được bán kèm như một dịch vụ giá trị gia tăng cùng phiên bản số của Tạp chí Kinh tế Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt

Mục tiêu đầu tiên của Askonomy là cung cấp nội dung thông tin chuẩn xác, chất lượng đến độc giả một cách nhanh chóng, hiệu quả. Khi làm được điều này, các nhà quảng cáo sẽ tự khắc xuất hiện, mang đến một nguồn thu mới bên cạnh dòng tiền từ việc bán báo.

Tuy nhiên, VnEconomy không nhắm đến việc bán thuê bao để thu tiền độc giả. Chúng tôi hướng tới mục tiêu xa hơn là xây dựng một cộng đồng người sử dụng Askonomy để đưa ra quyết định kinh doanh. Từ đó, gắn kết chặt chẽ với độc giả và tạo ra giá trị cho tờ báo. Đây là cách phát triển kinh tế báo chí bằng việc nuôi dưỡng các giá trị lâu dài. 

Với định hướng đối ngoại cao, Askonomy sẽ giúp người nước ngoài dễ dàng tiếp cận thông tin kinh tế Việt Nam một cách nhanh chóng và thuận tiện thông qua hỏi đáp, từ đó giúp lan tỏa, truyền bá thông tin về tình hình kinh tế Việt Nam.

Theo ông, Trí tuệ nhân tạo (AI) đặc biệt là sau khi ChatGPT ra mắt, đã tạo ra sự thay đổi trong ngành truyền thông báo chí ra sao?

Thay đổi này trước hết ảnh hưởng đến cách sản xuất và phân phối thông tin.

Trước đây, sản xuất thông tin thường mang tính truyền thống, nhưng với sự xuất hiện của AI, quy trình này trở nên nhanh hơn, sâu hơn và toàn diện hơn. 

AI đang tự động hóa nhiều khía cạnh truyền thông báo chí. Trước kia, phóng viên phải ngồi viết tin, nhưng giờ đây AI có khả năng tự động viết tin, tạo headline thậm chí thay thế vai trò của người dẫn chương trình. 

AI cũng ảnh hưởng đến thiết kế và dàn dựng, khiến quy trình sản xuất nội dung thay đổi đáng kể, giảm số lượng việc làm trong ngành truyền thông và đòi hỏi người làm báo chí truyền thông phải có kỹ năng sử dụng AI.

Thuật toán AI tăng hiệu quả sản xuất, giúp các nhà báo giải phóng thời gian để tập trung vào những bài viết phức tạp và sâu sắc hơn. Điều này là một thay đổi tích cực trong ngành báo chí. Ngoài ra, AI ảnh hưởng đến cả độc giả. Theo đó, yêu cầu của bạn đọc cũng thay đổi. Độc giả đòi hỏi nội dung chất lượng cao hơn, vì với tin tức thông thường, họ đã có thể dễ dàng tìm thấy thông tin nhanh chóng qua ChatGPT. Vì vậy, AI thực sự đang thay đổi ngành báo chí truyền thông rất nhiều.

PSX_20240612_165416.jpg
Tiến sĩ Chử Văn Lâm: "VnEconomy không nhắm đến việc bán thuê bao để thu tiền độc giả. Chúng tôi hướng tới mục tiêu xa hơn là xây dựng một cộng đồng người sử dụng Askonomy để đưa ra quyết định kinh doanh. Từ đó, gắn kết chặt chẽ với độc giả và tạo ra giá trị cho tờ báo". Ảnh: Lê Anh Dũng

Hiện nay, một số báo tại Việt Nam đã và đang xây dựng mô hình trả phí. Trên thế giới, mô hình này được nhiều báo áp dụng, giúp tăng doanh thu cho báo chí trong bối cảnh quảng cáo giảm sút. Vậy AI giúp gì cho các tòa soạn trong chiến lược thu phí, thưa ông?

Financial Times đã sử dụng AI để phân tích dữ liệu độc giả và phát triển hệ thống dữ liệu riêng của họ. Họ phân tích tỷ lệ độc giả đọc một bài báo và phát hiện ra rằng nếu một bài báo được đọc hơn một nửa thì đó là bài có chất lượng cao. Họ cũng nhận thấy những người đọc nhiều bài chất lượng có khả năng đăng ký trả phí cao hơn.

Qua phân tích này, họ chia các bài báo thành nhiều loại: Bài hấp dẫn được đọc nhiều; bài chuyên sâu ít người đọc nhưng được đọc hết; bài không hấp dẫn không được đọc và luôn bị bỏ giữa chừng. 

AI giúp họ phát hiện ra xu hướng này và từ đó phát triển các chiến lược phù hợp. AI không chỉ giúp tòa soạn phát triển mà còn hỗ trợ trong việc phân tích dữ liệu, giúp hiểu rõ hơn về độc giả và tạo ra nội dung chất lượng.

Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn hôm nay!

Ngày 14/6, Tạp chí Thông tin và Truyền thông, Báo điện tử VietNamNet (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội) sẽ tổ chức Hội thảo quốc tế: “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số”.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ sự kiện thường niên của cộng đồng báo chí Việt Nam mang tên “Diễn đàn báo chí tháng 6”- lần thứ ba (năm 2024), do Tạp chí Thông tin và Truyền thông, Báo điện tử VietNamNet và Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông đồng chủ trì.

Hội thảo được tổ chức trong 1 ngày làm việc, với 3 phiên họp, thảo luận.