Sáng 20/2, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Báo Nhân Dân tổ chức giao ban báo chí đầu Xuân Giáp Thìn 2024.
Ông Tống Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương đã điểm qua các nội dung thông tin báo chí dịp Tết Nguyên đán. Các chủ đề nổi bật trên các ấn phẩm báo Tết, chương trình Xuân gồm: mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước vững vàng vượt qua thử tháng; tưởng nhớ, biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; niềm tin vào ý chí và sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam; những thành tựu về đối ngoại, vị thế, uy tín của Việt Nam...
Các trang báo Xuân có nhiều bài viết nhân kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đăng và trích đăng bài viết "Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng...
"Hóa rồng", "thời cơ", "vượt vũ môn", "vượt gió ngược" hay "rồng bay" là những từ khóa nổi bật được các cơ quan báo, đài đề cập, sử dụng nhiều khi phân tích, nhận định về kinh tế Việt Nam. Nhiều ấn phẩm, chương trình Tết đã chú trọng làm nổi bật thông điệp chủ đề điều hành năm 2024 của Chính phủ với quyết tâm "Xây dựng Chính phủ kỷ cương, trách nhiệm, chủ động, kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả, bền vững".
Báo chí đăng phát nhiều bài viết về văn hóa, phong vị dịp Tết gắn liền với bản sắc dân tộc, không khí đón xuân ở mọi miền Tổ quốc, Tết với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Kiến tạo và lan tỏa những giá trị tốt đẹp, nhân ái
Tại hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang gửi lời chúc mừng năm mới, chia sẻ tình cảm tới lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, nhà báo lão thành và các nhà báo, đội ngũ những người làm báo cả nước.
Phó Thủ tướng chia sẻ ấn tượng với hội nghị giao ban báo chí mà không phải khối, ngành nào cũng có thể thực hiện được. Phó Thủ tướng mong muốn các cơ quan báo chí qua từng buổi giao ban giữ được "sợi dây bền chặt và mềm mại, dịu dàng, thân ái hơn".
Phó Thủ tướng cho biết, qua báo cáo về báo Xuân 2024 cho thấy báo chí đã dùng nhiều từ mạnh mẽ để nói về thành tựu đất nước và việc này có tác động tích cực, giúp động viên mọi người có thêm năng lượng để vượt qua khó khăn.
Phó Thủ tướng cho biết, năm mới kinh tế thế giới nói chung suy giảm, trong khi ở góc độ nào đó nói không quá thì Việt Nam cũng là "công xưởng của thế giới", bởi hiện kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam gấp 2 lần GDP nên nước ta cũng là nguồn sản xuất hàng tiêu dùng cho thế giới. Vì vậy, khi nhu cầu thế giới suy giảm thì sản xuất của nước ta chắc chắn bị suy giảm theo.
Ngân sách Nhà nước can thiệp, hỗ trợ cho khó khăn của người dân, doanh nghiệp còn rất hạn chế. Từ những khó khăn này, Phó Thủ tướng cho rằng sẽ có ảnh hưởng đến báo chí. Về lý thuyết khi khó khăn sẽ sinh ra bất ổn nên trách nhiệm, nhiệm vụ của báo chí càng nặng nề hơn.
Phó Thủ tướng nhìn nhận, kinh phí của Nhà nước cấp cho báo chí chưa bao giờ đủ, thêm vào đó quảng cáo sụt giảm chưa từng có, trong khi khi tiền quảng cáo rất quan trọng. Mặt khác yêu cầu với báo chí ngày càng cao, lớn hơn. Phó Thủ tướng cũng chỉ ra sự cạnh tranh giữa báo chí với các nền tảng mạng xã hội, cạnh tranh giữa chính các cơ quan báo chí.
Chia sẻ với khó khăn mà báo chí đang gặp phải, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan báo chí phải đối mặt trực tiếp, không thể né tránh, có cách làm mới, suy nghĩ mới để có sản phẩm mới hấp dẫn hơn, cạnh tranh hơn.
Ông dẫn ví dụ với Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long dù là đài cấp tỉnh nhưng đang cạnh tranh một số mặt với cả VTV hay HTV. Năm 2023, đài có doanh thu hơn 1.400 tỷ đồng và nộp ngân sách địa phương hơn 800 tỷ đồng. Đáng nói là năm 2023, đài đã thu từ Youtube 4 triệu USD, tương đương 100 tỷ đồng. Phó Thủ tướng cho rằng, muốn thu được từ Youtube phải dựa trên số lượng người xem, hấp dẫn của chương trình. Vì thế, đây là điều mà các cơ quan báo chí cần suy nghĩ để học hỏi.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, trong những thành tựu chung của đất nước năm qua có sự đóng góp tích cực và đáng ghi nhận của những người làm báo cách mạng.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định: "Trong những ngày Xuân Giáp Thìn vừa qua, cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, nhất là các đài phát thanh, truyền hình và báo điện tử đã bám chức năng, nhiệm vụ, bám công việc, tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền...".
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chia sẻ, không khí an bình của nước ta sau Covid-19, trong bối cảnh thế giới phức tạp được biểu hiện qua dịp Tết vừa rồi. Trong dịp Tết, các báo, tạp chí điện tử đã có 11.768 tin, bài thông tin phản ánh về tình hình Tết Nguyên đán (tăng 45,2% so với năm 2023) và không có thông tin xấu độc gây ảnh hưởng lớn tới tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trên mạng xã hội.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương năm 2024 là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng và hướng tới Đại hội 14 của Đảng; năm kỷ niệm nhiều sự kiện quan trọng của đất nước. Năm 2024 cũng là năm mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân cùng hệ thống chính trị cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn để chuẩn bị thực hiện thật tốt các sự kiện, dấu mốc quan trọng, có ý nghĩa lịch sử của đất nước vào năm 2025....
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị báo chí cần tập trung tuyên truyền thật tốt việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2024; khẩn trương xây dựng kế hoạch, triển khai tích cực, sáng tạo việc tuyên truyền các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quyết sách... của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ.
Báo chí cần bám sát hơi thở cuộc sống, từ thực tiễn cuộc sống để phản ánh, góp ý, kiến tạo và lan tỏa những giá trị tốt đẹp, nhân ái trong xã hội.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: "Cần nhiều hơn những nỗ lực, quyết tâm, bản lĩnh để mỗi cơ quan báo chí đều là 'cơ quan báo chí tử tế'".
Ông tin tưởng báo chí, người làm báo sẽ nhận được sự tôn trọng của cả xã hội và từ đó tạo ra giá trị, khẳng định được thương hiệu giúp cạnh tranh hiệu quả trước các nền tảng truyền thông xã hội ngày càng phong phú nhưng cũng không ít nhiễu loạn.