Theo quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia.
Để thực hiện mục tiêu đưa Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, đạt các tiêu chí quốc gia về phát triển bền vững kinh tế biển, tỉnh xác định ngành thủy sản là một trong những ngành đóng vai trò quan trọng, nhất là những bước chuyển đổi trong quy hoạch phát triển.
Theo kế hoạch hành động triển khai Chiến lược phát triển thuỷ sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, mục tiêu chung đến năm 2030, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ phát triển thuỷ sản thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; có cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; có thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế; đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng nâng cao, bảo đảm an sinh xã hội; góp phần bảo vệ an ninh, quốc phòng, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thuỷ sản thời kì 2021 – 2030 đạt 4,24%/năm; tổng sản lượng thuỷ sản là 352.500 tấn, trong đó, nuôi trồng đạt khoảng 22.500 tấn, sản lượng khai thác đạt khoảng 330.000 tấn.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Sơn Thái, một trong những nhiệm vụ mà ngành thủy sản tập trung thực hiện nhằm góp phần đưa Bà Rịa – Vũng Tàu sớm trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, đó là tăng cường công tác ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong khai thác và nuôi trồng thủy sản, nhất là công tác bảo quản sản phẩm, giảm tổn thất sau khai thác.
Trong lĩnh vực khai thác, tỉnh tập trung tổ chức lại sản xuất khai thác hải sản trên biển trên cơ sở cơ cấu lại tàu thuyền, nghề nghiệp phù hợp với vùng biển, môi trường tự nhiên, nguồn lợi hải sản.
Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong 5 trung tâm nghề cá lớn của cả nước, có số lượng lớn tàu khai thác hải sản. Theo thống kê của Chi cục Thuỷ sản, đến nay, tổng số tàu cá của tỉnh là 4.345 chiếc, đội tàu khai thác xa bờ là hơn 2.500 chiếc, sản lượng khai thác đạt trên 300 ngàn tấn/năm.
Để phát triển nghề cá bền vững, thời gian qua tỉnh đã tập trung cơ cấu lại đội tàu theo hướng giảm dần và chuyển đổi nghề cho tàu cá hoạt động ven bờ và các nghề hủy diệt nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh để giảm cường độ khai thác. Theo đó, tàu cá giảm chủ yếu ở nghề khai thác gần bờ hoặc tàu khai thác ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản.
Hiện nay, tỉnh cũng đang hoàn thiện đề án Chuyển đổi nghề cho tàu cá hoạt động ven bờ và các nghề hủy diệt nguồn lợi thủy sản, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững nghề khai thác thủy sản, bảo đảm sinh kế ổn định, lâu dài cho cộng đồng ngư dân.
Đối với lĩnh vực nuôi trồng, sẽ phát triển các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống nuôi trồng thủy sản chất lượng cao gắn với các đối tượng nuôi chủ lực, có gi trị kinh tế; đặc biệt là ưu tiên đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao, phát triển nuôi biển theo hướng công nghệ cao với quy mô sản xuất công nghiệp phục vụ xuất khẩu, du lịch và tiêu thụ nội địa. Thúc đẩy các chính sách tín dụng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án nuôi thủy sản, nuôi biển ứng dụng công nghệ cao.
Song song đó là đẩy mạnh phát triển ngành chế biến thủy sản theo chuỗi giá trị, gắn chế biến, tiêu thụ với vùng nguyên liệu khai thác, nuôi trồng thủy sản; ưu tiên phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng; xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm thủy sản gắn với thế mạnh, lợi thế của tỉnh.
Tính đến tháng 7/2024, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 5.425,7 ha, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 12.971 tấn, tăng 740 tấn so với cùng kỳ 2023; toàn tỉnh có 23 tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản và sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 429,31 ha (tăng 17,15 ha so với cùng kỳ).
Một trong những yếu tố góp phần thúc đẩy ngành thuỷ sản phát triển bền vững, đó là việc phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, như đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng và dịch vụ nghề cá; nâng cấp các cảng cá; khuyến khích phát triển dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác thủy sản và nuôi trồng thủy sản trên biển, hình thành chợ đầu mối, cơ sở cế biến và kho lạnh tại cảng cá; nhất là việc áp dụng công nghệ số nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ thuỷ sản.
Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2030, giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt trên 500 triệu USD. Với mục tiêu trên, ngành thuỷ sản sẽ góp phần đưa Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia và nằm trong nhóm 5 địa phương phát triển kinh tế biển hàng đầu cả nước.