Thấy rõ việc phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế biển, năm 2019, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển (Nghị quyết số 15) với mục tiêu xây dựng Quảng Ninh phát triển trở thành một trong các trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, là cửa ngõ, động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gắn với hệ thống cảng biển nước sâu; trở thành trung tâm du lịch.

W-IMG_5407 cảng biển quảng ninh (used).JPG.jpg
Quảng Ninh đang dần hình thành là một trung tâm kinh tế biển mạnh

Đến nay, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, Quảng Ninh đang dần hình thành là một trung tâm kinh tế biển mạnh, nòng cốt là các hoạt động cảng, dịch vụ và công nghiệp ven biển, phát triển các khu thương mại gắn với vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ. 

Trong giai đoạn 2019-2023, tổng doanh thu dịch vụ cảng biển của tỉnh đạt trên 14.840 tỷ đồng; tỷ trọng đóng góp của dịch vụ cảng biển đạt khoảng 0,49% trong GRDP của tỉnh, tăng 0,07% so với năm 2018. 

Từ năm 2019 đến tháng 6/2024, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh đạt 64,75 triệu lượt; trung bình mỗi năm đạt 12,95 triệu lượt khách. Trong đó, tổng lượng khách du lịch biển đảo đạt 43,3 triệu lượt, bằng 184% so với kế hoạch, vượt mục tiêu đến 2025 của Nghị quyết (kế hoạch đề ra đến năm 2025 là 23,5 triệu lượt). 

Nhiều khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao và các loại hình du lịch chất lượng, đặc sắc, đa dạng, có giá trị gia tăng cao về du lịch biển đảo gắn với việc phát huy giá trị di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long đã hoàn thành, đưa vào vận hành khai thác.

Từ năm 2019 đến nay, quy mô ngành kinh tế hàng hải của tỉnh ngày càng gia tăng, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong giá trị gia tăng của kinh tế biển. Theo đó, tổng sản lượng hàng hoá thông qua cảng trong 5 năm qua đạt 627,7 triệu tấn; bình quân đạt 124,1 triệu tấn/năm, vượt mục tiêu theo kế hoạch đề ra đến năm 2025 là 114,5 – 122,5 triệu tấn. 

Đồng thời, ngành thủy sản của tỉnh trong những năm qua đã có những bước phát triển toàn diện cả về nuôi trồng, khai thác và chế biến. Năm 2023, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 175.324 tấn, tăng trưởng đạt 3,7%; trong đó, sản lượng khai thác đạt 77.039 tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 83.834 tấn. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng thuỷ sản của tỉnh ước đạt hơn 88.475 tấn.

Công nghiệp ven biển của tỉnh phát triển theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, nâng cao hiệu suất, bảo vệ môi trường, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo được nâng lên.

Nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế biển của tỉnh những năm qua không ngừng được hoàn thiện. Cụ thể, từ năm 2019 đến nay, Quảng Ninh đã thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách cho các dự án hạ tầng, dịch vụ cảng biển, như bến cảng cao cấp Ao Tiên, cảng khách quốc tế Hòn Gai, bến cảng tổng hợp Vạn Ninh. 

Ngoài ra, công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thời gian giải quyết các thủ tục hải quan, quản lý hoạt động cảng vụ đã cơ bản hoàn thành theo yêu cầu. Quảng Ninh cũng đã hình thành và đưa vào quy hoạch các khu chức năng, khu dịch vụ nhà hàng, trung tâm mua sắm hiện đại tại các cảng khách quốc tế như Tuần Châu, cảng Hòn Gai, sân bay quốc tế Vân Đồn. Hiện, trên địa bàn tỉnh đang triển khai 6 dự án đầu tư phát triển cảng biển, dịch vụ cảng biển, khu vực hậu cần sau cảng và logistics tại các khu kinh tế ven biển Quảng Yên với diện tích 6.956 ha vượt hơn so với nghị quyết…

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trịnh Thị Minh Thanh, cho biết, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 15, kinh tế cảng biển và dịch vụ cảng biển của Quảng Ninh đã cơ bản phát triển đúng hướng, bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan. Đây là tiền đề quan trọng để tới đây tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thực hiện mục tiêu về phát triển kinh tế biển.

Nhằm góp phần quan trọng vào phát triển bền vững kinh tế biển, đưa Quảng Ninh trở thành một trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước, là một trong những trung tâm logistics trọng điểm của cả nước, thời gian tới, tỉnh tiếp tục hiện thực hóa các quy hoạch và có định hướng dài hơi cho phát triển, như chú trọng kêu gọi thu hút đầu tư và hỗ trợ đầu tư hạ tầng cảng biển; nâng cao chất lượng, dịch vụ cảng biển; có cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề thuộc lĩnh vực cảng biển và dịch vụ cảng biển; cơ chế, chính sách thu hút lao động làm việc tại lĩnh vực cảng biển và dịch vụ cảng biển; tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ….