Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” định hướng: “Phát triển nhanh ngành chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp, an toàn dịch bệnh, phù hợp với lợi thế của từng vùng...; tập trung cải tạo và nâng cao chất lượng giống, áp dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả; tăng cường công tác thú y, phòng, chống dịch bệnh; phát triển sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp; tổ chức lại và hiện đại hoá cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm”.

Để triển khai thành công nghị quyết số 26, trước diễn biến phức tạp của bệnh lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi bùng liên tục trong thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Lở mồm long móng (LMLM), giai đoạn 2021-2025".

{keywords}
Chăn nuôi phải được phát triển trong điều kiện an toàn dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm

Chương trình nhằm kiểm soát hiệu quả bệnh LMLM trên địa bàn cả nước và ngăn chặn sự xâm nhập của các chủng virus LMLM mới từ bên ngoài vào Việt Nam; xây dựng thành công các vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) LMLM cấp huyện hoặc vùng liên huyện của một hoặc nhiều tỉnh, thành phố; tiến tới xây dựng vùng ATDB cấp tỉnh; góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Mục tiêu cụ thể, số lượng ổ dịch LMLM và gia súc mắc bệnh giảm từ 10-20% so với trung bình của cả giai đoạn 2016-2020; xây dựng thành công thêm ít nhất 10 vùng ATDB cấp huyện hoặc vùng liên huyện của một hoặc nhiều tỉnh, thành phố.

Đồng thời, xây dựng thành công, duy trì ít nhất 1.000 cơ sở, chuỗi chăn nuôi gia súc ATDB đối với bệnh LMLM; được Tổ chức Thú y thế giới (OIE) công nhận Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh LMLM của Việt Nam phù hợp với khuyến cáo của OIE.

Trước đó, Ban Bí thư cũng ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 20-5-2019, “Về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi”.

Chỉ thị nêu rõ: “Cùng với việc chỉ đạo các biện pháp phòng, chống, khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi, tổ chức đảng các cấp chỉ đạo việc chuẩn bị tốt các điều kiện để khôi phục chăn nuôi lợn ngay sau khi dịch bệnh được khống chế và đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc khác, gia cầm, thủy cầm để bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Tổ chức rút kinh nghiệm đợt phòng, chống vừa qua để chủ động phát hiện sớm, thông tin kịp thời và có biện pháp sẵn sàng phòng, chống các loại dịch bệnh khác có thể xảy ra đối với vật nuôi, cây trồng... Kiện toàn, củng cố hệ thống thú y các cấp theo đúng quy định của Luật Thú y, tăng cường năng lực thú y các cấp đủ sức thực thi nhiệm vụ”.

Chủ trương của Đảng là những định hướng quan trọng đối với ngành chăn nuôi nước ta, để các cấp ủy nghiên cứu, vận dụng vào hoạch định chính sách, tổ chức thực hiện phát triển ngành chăn nuôi và chăn nuôi lợn trong bối cảnh có nhiều thách thức, thuận lợi đan xen hiện nay.

Một số giải pháp ổn định ngành chăn nuôi lợn

Về ngắn hạn

Thứ nhất, cần thống nhất về nhận thức, đồng bộ trong chỉ đạo và thực hiện nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi để phục hồi nguồn cung và ổn định thị trường, giá cả.

Thứ hai, thực thiện các gói hỗ trợ nâng cao năng lực chủ thể chăn nuôi nông hộ, trang trại và hợp tác xã. Bố trí nguồn vốn ngân sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh và ban hành chính sách đặc thù khắc phục bệnh dịch tả lợn châu Phi. Hỗ trợ lãi suất tín dụng cho các hộ chăn nuôi, trang trại, hợp tác xã nông nghiệp, người chăn nuôi bị dịch tả lợn châu Phi vay để mua con giống, phục hồi, phát triển hạ tầng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, tái đàn...

Thứ ba, củng cố và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, an toàn sinh học ở đàn vật nuôi.

Thứ tư, tổng kết thực tiễn, đúc kết và nhân rộng các bài học kinh nghiệm, cánh làm hay của một số địa phương trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi để nhân rộng ra các địa phương trong cả nước.

Về dài hạn

Một là, cần có sự đột phá mới về chính sách trong phát triển chăn nuôi bền vững nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng. Ban hành chính sách quốc gia về phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại, bền vững trong bối cảnh mới ở Việt Nam, với trọng tâm phát triển chăn nuôi trở thành ngành kinh tế chủ lực, trên cơ sở gắn với quy hoạch sử dụng nguồn nguyên liệu trồng trọt, thủy sản đa dạng trong nước, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường, gia tăng giá trị, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ cao... Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ cơ cấu lại chủ thể chăn nuôi, tạo cuộc cách mạng trong thay đổi phương thức chăn nuôi, cơ cấu vật nuôi. Chăn nuôi phải được phát triển trong điều kiện an toàn dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo vệ tài nguyên, môi trường. Trong cơ cấu lại chủ thể chăn nuôi, chú trọng cơ cấu lại chăn nuôi nông hộ, những hộ theo đuổi nghề phải tham gia chuỗi sản xuất, đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật về chăn nuôi, thú y, an toàn dịch bệnh, xuất xứ nguồn gốc, môi trường và được hỗ trợ đào tạo chuyên môn, đầu tư, phát triển thị trường và những chính sách an sinh khác; những hộ không theo đuổi nghề, cần có chính sách hỗ trợ chuyển đổi sinh kế phù hợp.

Hai là, đổi mới tư duy và cơ chế quản lý thị trường, tổ chức thị trường ngành hàng thịt hiện đại, bền vững. Nâng cao năng lực quản lý, điều tiết thị trường giá cả của Nhà nước; phân công, phân nhiệm và quy trách nhiệm giữa các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về quản lý, điều tiết thị trường, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; bổ sung ngành hàng thịt lợn vào danh mục mặt hàng cần được bình ổn, dự trữ quốc gia. Điều tiết cung cầu ngành hàng thịt lợn trên cơ sở tổ chức chuỗi ngành hàng; áp dụng công nghệ thông minh và bổ sung những công cụ điều tiết thị trường có hiệu quả; tổ chức tốt chuỗi cung ứng thịt lợn chợ dân sinh; phát triển mạnh các loại hình thị trường hiện đại; tăng cường chế biến gắn với nhu cầu thị hiếu của các phân khúc thị trường ngành hàng thịt; đa dạng nguồn cung. Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng website thương mại điện tử, đưa sản phẩm nông sản lên các sàn giao dịch điện tử; xây dựng trung tâm đấu giá, sàn giao dịch nông sản quốc tế tại Việt Nam.

Kim Chi