- Cho rằng phí giao thông ảnh hưởng đến từng cân thịt, cân gạo, mớ rau của bà con, Thứ trưởng KHĐT Đặng Huy Đông yêu cầu cần phải minh bạch những yếu tố cấu thành mức phí.

Phó Thủ tướng: Bộ Giao thông, Tài chính rà soát phí đường bộ

Tại cuộc họp báo chuyên đề về Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 hôm nay, báo Tiền phong đặt câu hỏi về vấn đề thu phí BOT đường bộ.

"Để giảm chi phí cho DN, CP có giao bộ Tài chính và Giao thông vận tải rà soát phí BOT, hiện đang tồn tại nhiều bất cập và gây bức xúc cho người lái xe và DN vận tải.

Quan điểm của CP như thế nào với vấn đề này? Bộ Kế hoạch Đầu tư đã thanh tra nhiều dự án BOT, có kết luận về tình trạng vốn khống ở một số dự án, điều này ảnh hưởng thế nào đến mức phí BOT?"

{keywords}
Thứ trưởng Đặng Huy Đông (trái) và Phó chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà tại họp báo. Ảnh: Chung Hoàng

Thứ trưởng Kế hoạch Đầu tư Đặng Huy Đông chia sẻ quan điểm: "Quốc gia nào nào cũng phải huy động nguồn thu cho ngân sách thông qua thuế, nhưng các khoản phí cần tính toán, và phải minh bạch những yếu tố cấu thành mức phí. Doanh nghiệp, xã hội có quyền yêu cầu, đòi hỏi sự tường minh. Tôi không đồng tình câu trả lời chung chung rằng 'không như thế thì không có người đầu tư'".

Riêng về phí giao thông, ông Đông nhấn mạnh nó ảnh hưởng đến từng cân thịt, cân gạo, mớ rau của bà con.

"Tôi được biết củ đậu quê tôi có 5.000 đồng, ra thành phố đến 50.000 đồng. Tất nhiên không phải thuần túy phí giao thông, nhưng một trong số đó là chi phí vận chuyển", Thứ trưởng chia sẻ.

Theo ông Đông, cấu thành phí BOT không chỉ là giá thành công trình, còn phụ thuộc lưu lượng giao thông, số người sử dụng dịch vụ. Con số đó cần được kiểm tra chính xác và công khai.

"Người dân, DN và CP hoàn toàn có quyền yêu cầu các nhà đầu tư BOT, các cơ quan thẩm định dự án BOT, công khai tuyệt đối giá thành công trình và phí, không có vùng cấm, theo cá nhân tôi", Thứ trưởng nói.

Phó chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà đồng tình với phí BOT, phải tính hết, tính đủ các phí hiện đang thu.

"Nghị quyết 35 đã giao bộ Tài chính làm việc này, nhưng để chính xác thì rất khó. Chúng ta đã có một giải pháp là chủ trương phát triển thu phí không dừng, vừa nhanh, giảm ùn tắc và quan trọng là đếm chính xác. Đây là công nghệ tốt nhất, rẻ nhất, máy đếm thì không ăn gian được, trừ khi can thiệp vào máy", ông Hà nói.

Khi có số liệu đó, ta có thể đánh giá đúng lưu lượng, giảm chi phí cho việc thu bằng người, và đảm bảo thu ngân ngân sách, ông Lê Mạnh Hà cho biết đang thúc giục bộ GTVT triển khai việc này sớm nhất.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông thông tin thêm: "Tôi mạnh dạn thông báo là có doanh nghiệp VN đã chính thức khẳng định với bộ KHĐT sẽ làm tuyến đường tự động hoàn toàn xe không dừng, chạy tốc độ 100km/h, không có sự can thiệp của con người, phạt cũng sẽ tự động, thanh toán tự động".

Ủng hộ rằng đây là cách triệt để nhất, ông Đông cũng khuyến nghị: Con số thu phí của các dự án BOT phải công khai cho cơ quan quản lý, nhà đầu tư và xã hội.

"Có điều, chúng ta phải cẩn trọng với những công nghệ thu phí cho chính nhà đầu tư hoặc người cung cấp tiền cho nhà đầu tư, mua từ nước ngoài về, có thể làm chủ phần mềm và điều chỉnh con số. Để khắc phục điều này, sử dụng công nghệ của một doanh nghiệp VN và độc lập thì tính chính xác, trung thực sẽ cao hơn", Thứ trưởng KHĐT nói.

Chung Hoàng