Tiếng vang đầu tiên

Chuyến chu du thế giới của Philippe Troussier bắt đầu với đất nước Bờ Biển Ngà, nơi ông có khoảng thời gian gắn bó khá dài và để lại tầm ảnh hưởng về bóng đá không mấy ai sánh kịp.

Troussier và đội hình ASEC vô địch Bờ Biển Ngà 1990

Mọi chuyện xuất phát từ sự kiện Roger Ouegnin lên ngồi ghế chủ tịch ASEC Mimosas vào năm 1989, khi CLB khép lại năm thứ 9 liên tiếp không giành chức vô địch quốc gia. Ngược lại, ông phải chứng kiến đối thủ Africa Sports đăng quang 5 mùa liên tiếp.

Trong một thập kỷ mà ASEC Mimosas trắng tay, Africa Sports có 7 lần vô địch và vươn lên trở thành thế lực lớn nhất bóng đá Bờ Biển Ngà.

Hành động đầu tiên của ông Ouegnin là chia tay vị HLV người Bỉ Phillipe Garot.

Ouegnin tìm kiếm HLV châu Âu và ông hướng về Pháp. Thông qua một số lời giới thiệu, cùng những tư liệu quan trọng, người đứng đầu ASEC quyết định chọn Troussier vì tham vọng xây dựng một triết lý riêng với ưu tiên phát triển bóng đá trẻ.

Troussier ký hợp đồng cuối năm 1989 và bắt đầu làm việc khi qua năm mới. Ngay lập tức, CLB lột xác với 3 danh hiệu VĐQG liên tiếp (1990, 1991, 1992).

Cú hat-trick danh hiệu giúp Philippe được trao quốc tịch Bờ Biển Ngà và dẫn ĐTQG. Trong khi đó, với nền tảng mà ông để lại, ASEC đăng quang thêm hai mùa nữa, trước khi Africa Sports chấm dứt mạch chiến thắng này vào năm 1996.

Troussier là huyền thoại ở bóng đá châu Phi

Nhiệm vụ giành vé dự World Cup 1994 thất bại khiến Troussier sớm rời ghế HLV trưởng Bờ Biển Ngà.

Dù chia tay ASEC và cũng rời khỏi Bờ Biển Ngà, nhưng triết lý bóng đá của "phù thủy trắng" vẫn ảnh hưởng đến "Les Mimos" (biệt danh ASEC), đặc biệt là tác động vào suy nghĩ của Chủ tịch Ouegnin.

Năm 1994, Ouegnin - người cho đến nay vẫn còn giữ chức chủ tịch và luôn dành tôn trọng đối với Troussier - cho thành lập học viện MimoSifcom. Đây là trung tâm đào tạo trẻ đầu tiên của Bờ Biển Ngà, và là một trong những lò đầu tiên ở châu Phi, cho ra đời một số cầu thủ giỏi như Kolo Toure hay Aruna Dindane.

"Nhà truyền giáo" của bóng đá thế giới

Vừa rời Bờ Biển Ngà, Troussier chuyển hướng cuộc phiêu lưu đến Nam Phi (dẫn Kaizer Chiefs) rồi Maroc (FUS Rabat, giành 1 danh hiệu), trước khi trở thành HLV trưởng đội tuyển Nigeria vào năm 1997.

Troussier tại World Cup 1998

Bất chấp thành công mang về chiếc vé World Cup 1998, Troussier vẫn bị LĐBĐ Nigeria sa thải để chọn Bora Milutinovic - người trước đó dự giải VĐTG với 3 đội tuyển khác nhau (Mexico [1986], Costa Rica [1990], Mỹ [1994]) - dẫn đội tham dự ngày hội bóng đá ở Pháp.

Điều này tạo động lực mới cho Troussier. Ông nhanh chóng tìm được việc mới, đưa Burkina Faso lần đầu tiên trong lịch sử vào bán kết giải vô địch châu Phi (CAN 1998).

Tiếp đó, ông cùng Nam Phi dự World Cup 1998. Ngay trong lần đầu được dự giải VĐTG, đội giành 2 điểm, xếp thứ 3 trong bảng đấu có chủ nhà Pháp, Đan Mạch và Saudi Arabia.

Trận hòa 1-1 với Đan Mạch của những ngôi sao Peter Schmeichel, anh em Michael Laudrup và Brian Laudrup, Thomas Helveg... là màn trình diễn xuất sắc, giúp Troussier nhận được nhiều lời khen.

Con tàu của thuyền trưởng Troussier rời châu Phi để đến châu Á, nơi ông có 4 năm dẫn đội tuyển Nhật Bản rồi quản lý Qatar.

Năm 2004, Troussier trở lại nước Pháp khi cập cảng Marseille nhưng không thành công.

Troussier với U19 Việt Nam

Nhà truyền giáo trở lại châu Phi với điểm đến Maroc. quay lại Nhật Bản với CLB Ryukyu và tiếp tục đến Trung Quốc ở thời điểm bóng đá nước này đón nhiều hợp đồng lớn.

Xen giữa hai chu kỳ làm việc với bóng đá Trung Quốc, Troussier có thời gian ngắn huấn luyện ở Tunisia với CLB CS Sfaxien.

Năm 2018, ông là một trong 77 ứng viên cho chiếc ghế HLV trưởng Cameroon. Lần ấy, Sven-Goran Eriksson được chọn nhưng các bên không thống nhất được thỏa thuận, rồi Clarence Seedorf nhận việc.

Khi đến Việt Nam vào năm 2018, Troussier chủ yếu làm việc bóng đá trẻ, trong đó bao gồm thời gian dẫn U-19 quốc gia. Đại dịch Covid-19 khiến công việc của ông gián đoạn.

Với kinh nghiệm và kiến thức tích lũy trong 4 thập kỷ, nhà cầm quân 67 tuổi có những hỗ trợ nhất định để bóng đá trẻ Việt Nam từng bước trở nên chuyên nghiệp hơn.

'Bóng đá Việt Nam biết ơn thầy Park'

'Bóng đá Việt Nam biết ơn thầy Park'

Các chuyên gia chung nhận xét, chưa HLV nào mang tới những thành công vượt bậc cho bóng đá Việt Nam bằng HLV Park Hang Seo, và cuộc chia tay dù hợp lý nhưng vẫn để lại sự tiếc nuối.