Nội dung này được Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt ra tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chiều 19/8 khi cho ý kiến báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội.

'Thi vào đại học dễ hơn vào lớp 10'

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, trong tháng 7 diễn ra sự kiến rất quan trọng là kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học.

Qua phương tiện thông tin đại chúng, bà thấy tuyển sinh vào đại học rất tốt, tạo nhiều cơ hội cho người học có cơ hội tiếp cận với giáo dục đại học từ các trường tốt đến những trường top đầu.

NGUYENTHANHHAI.jpg
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: QH

Tuy nhiên theo bà Hải, cử tri phản ánh hiện có quá nhiều phương án tuyển sinh, dẫn đến học sinh rất khó khăn trong lựa chọn.

“Việc này, khác hẳn với anh em chúng ta ngày xưa, thi khối A, khối B, khối C, thi vào trường có điểm chuẩn rất rõ ràng”, Trưởng Ban Công tác đại biểu so sánh.

Theo bà Hải, không chỉ có quá nhiều phương án tuyển sinh mà còn có hiện tượng xét tuyển từ rất sớm, thậm chí trước thi tốt nghiệp một học kỳ. Điều này dẫn đến, có trường khi chưa tổ chức tuyển sinh, chưa tổ chức thi đã gần như đạt số tuyển sinh, nên điểm thi vào rất cao.

“Tôi thấy cần phải có những chế tài hay có những kiến nghị, yêu cầu Bộ GD-ĐT nghiên cứu. Các trường có tính tự chủ rất cao trong việc tuyển sinh nhưng không có nghĩa muốn làm gì cũng được, phải có những chế tài, giám sát để làm sao thu hút được học sinh giỏi, tốt, đảm bảo không chạy theo số lượng mà bỏ qua chất lượng”, Bà Hải gợi mở.

Bà Hải đề nghị phản ánh những thông tin này trong báo cáo dân nguyện. Bởi, cử tri nói rằng nhiều khi bây giờ thi vào đại học còn dễ hơn rất nhiều so với tuyển sinh vào lớp 10, lớp 6, lớp 1.

TranQuangPhuong.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương. Ảnh: QH

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cho biết, hiện dư luận rất băn khoăn chất lượng tuyển sinh, cơ hội cho thí sinh thi tuyển, khi xét tuyển đã hết chỉ tiêu.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung vào báo cáo về kỳ thi tuyển sinh đại học; việc có nhiều phương án tuyển sinh đặt ra yêu cầu chất lượng như thế nào, nhất là tuyển sinh qua xét tuyển và giải quyết giữa xét tuyển với thi tuyển.

Ông đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GD-ĐT rà soát các phương án tuyển sinh đại học và có báo cáo.

Đồng thời, Ủy ban Văn hóa Giáo dục làm việc với Bộ GD-ĐT cụ thể vấn đề này để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Trường hợp có điều kiện, đề nghị anh Vinh (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh) tổ chức phiên giải trình nếu giải thích không rõ”, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Không giao xe cho con em mình khi chưa đủ tuổi có giấy phép

Trước phản ánh của cử tri về tình trạng học sinh sử dụng xe máy điện ngày càng trở nên phổ biến, tỷ lệ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy điện có xu hướng gia tăng, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Ngọc Lâm cho biết, qua theo dõi, tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật về an toàn giao thông hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp.

Trong đó phải kể đến hiện tượng học sinh THCS, THPT đi học bằng phương tiện xe máy điện, xe máy, xe mô tô không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, kéo đẩy xe khác, sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện.

thutuongCA.jpg
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Ngọc Lâm. Ảnh: QH

Đặc biệt là tình trạng học sinh điều khiển phương tiện khi chưa có giấy phép lái xe đang diễn ra khá phổ biến, làm gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông.

Thứ trưởng Công an dẫn số liệu từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý 65.491 trường hợp học sinh vi phạm, trong đó có 18.327 trường hợp vi phạm khi điều khiển phương tiện xe máy điện, 28.971 trường hợp chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy.

Thống kê tháng 7/2024 các vụ tai nạn giao thông trong lứa tuổi học sinh liên quan đến xe đạp điện có 104 phương tiện; xảy ra 102 vụ tai nạn giao thông; làm chết 29 người; bị thương 101 người.

Bên cạnh đó, ông Lâm cũng nêu thực tế một số bậc cha mẹ học sinh chưa gương mẫu nêu gương, chưa nhận thức được việc giáo dục con em mình chấp hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi thiết thực.

Để phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi về trật tự, an toàn giao thông đối với những trường hợp sử dụng xe máy điện là học sinh, Bộ Công an đã triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Cụ thể, Bộ yêu cầu tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với các trường hợp học sinh điều khiển xe mô tô, xe máy, nhất là xe máy điện vi phạm về trật tự, an toàn giao thông.

Tuyên truyền sâu rộng cho học sinh các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ.

“Từng gia đình chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, không giao xe cho con em mình khi chưa đủ tuổi có giấy phép theo quy định”, Thứ trưởng Công an lưu ý.