Sáng 9/3, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chủ trì buổi họp nghe báo cáo về các đề xuất xử lý vi phạm tiếng ồn.

{keywords}
Ông Võ Văn Hoan: TP cần hành động khẩn cấp, quyết liệt với vấn nạn tiếng ồn

Phát biểu đầu buổi họp, ông Hoan nhận định, ô nhiễm tiếng ồn là vấn đề đã tồn tại khá lâu và đặc biệt nóng vào thời gian gần đây. Phó chủ tịch cho rằng dường như có sự ganh đua trong giới thiệu mặt hàng, quảng bá sản phẩm nên các hàng quán, cửa hiệu đua nhau mở loa gây ô nhiễm tiếng ồn.

Theo ông Hoan, việc xử lý ô nhiễm tiếng ồn đã có cơ sở nhưng các cơ quan chức năng còn chưa hiểu hết cách xử lý. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan còn cho đây là chuyện thường ngày, xem như không phải việc của mình.

"Trong buổi họp này, chúng ta cùng nhau rút kinh nghiệm, triển khai kế hoạch hành động khẩn cấp và quyết liệt với vấn nạn này. Không thể chấp nhận một đô thị lớn mà từ khu dân cư đến quán ăn uống, cửa hàng, cửa hiệu đều ra rả mở loa công suất cao ảnh hưởng đến người dân", Phó chủ tịch Võ Văn Hoan quán triệt.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), tiếng ồn phát sinh từ nhiều nguồn: các tụ điểm dịch vụ karaoke chưa đảm bảo cách âm, các cửa hàng kinh doanh thiết bị âm thanh, tụ điểm vui chơi giải trí, karaoke bằng loa kẹo kéo, loa di động tại nơi công cộng hay một số gia đình, nhóm nhậu trên địa bàn quận, huyện thường tổ chức hát karaoke gây ồn, hoạt động quá giờ, âm thanh vượt quá quy định.

{keywords}
Phó GĐ Sở TN-MT TP Nguyễn Thị Thanh Mỹ báo cáo về các nhóm gây ô nhiễm tiếng ồn

Theo đó, Sở TN-MT chia làm 4 nhóm đối tượng gây ô nhiễm tiếng ồn, cụ thể:

Nhóm 1: từ hoạt động dịch vụ karaoke, các điểm vui chơi, dịch vụ có quy mô lớn như vũ trường, quán bar, beer club…chưa bảo đảm cách âm.

Nhóm 2: quán nhậu vỉa hè mở nhạc, hát loa di động công suất lớn, cường độ âm thanh lớn.

Nhóm 3: hộ gia đình có trang bị dàn âm thanh, loa, karaoke, máy phát nhạc, chiếu phim; hộ gia đình thuê dàn nhạc để ca hát hoặc phục vụ các sinh hoạt văn hóa gia đình như tiệc cưới, lễ tang, sinh nhật và các dạng sinh hoạt đám mừng, liên hoan khác….

Nhóm 4: các loại hình buôn bán có sử dụng loa phát quảng cáo (tại siêu thị, chợ, tiệm photocopy, các điểm quảng cáo…), địa điểm sinh hoạt công cộng (công viên, nhà thờ, chùa…).

Theo đại diện Sở TN-MT, trong giai đoạn 2019-2020, TP đã xử phạt 141 trường hợp vi phạm về ô nhiễm tiếng ồn tại 17 quận, huyện. Số tiền xử phạt là hơn 818 triệu đồng. Trong số này, chỉ có 20 trường hợp là vi phạm tiếng ồn trong sinh hoạt tại khu dân cư.

Về giải pháp, Sở TN-MT chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu, TP tập trung vào tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Giai đoạn 2 là tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm.

Trước mắt, Sở đề xuất UBND TP kiến nghị Trung ương tăng thẩm quyền cho Chủ tịch UBND cấp xã, phường trong xử phạt vi phạm hành chính với hành vi vi phạm tiếng ồn; tăng mức xử phạt; không giới hạn thời gian xử lý vi phạm.

{keywords}
Vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn đang được TP.HCM quyết liệt xử lý 

Đề xuất bổ sung nhóm hành vi về vi phạm tiếng ồn với sinh hoạt trong khu dân cư; sửa đổi quy định về đo độ ồn nền và đo tần suất ồn.

Trước đó, trong buổi đối thoại với các chủ tịch phường, xã, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo về xử lý ô nhiễm tiếng ồn liên quan đến karaoke tự phát. Ông cho biết, không thể chấp nhận được việc người lao động sau một ngày lao động mệt mỏi, tối về còn bị karaoke tự phát tra tấn. 

Qua đó, ông giao nhiệm vụ cho Phó chủ tịch Võ Văn Hoan chỉ đạo, xử lý vấn đề, không để ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Sau chỉ đạo của ông Nguyễn Thành Phong, Sở TN-MT đã có dự thảo gửi Thường trực UBND TP về một số giải pháp, kiến nghị để giải quyết tình trạng này. 


Ô nhiễm tiếng ồn có thể gây đột qụy nếu tiếp xúc thường xuyên

Góp ý kiến tại buổi họp, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết, ngành y tế chia thành 3 nhóm tiếng ồn: Nhóm thứ nhất trong xây dựng: tiếng ồn máy nghiền đá, máy trộn bê tông, xe chở vật liệu…Nhóm thứ hai là giao thông: tiếng ồn xe cộ, tuy nhiên đây là khách quan và người dân cũng không bức xúc lắm. Nhóm thứ 3 là tiếng ồn trong sinh hoạt, đặc biệt là karaoke tự phát, loa kẹo kéo.

Theo ông Hưng, ô nhiễm tiếng ồn tác hại rất nặng nề đối với sức khỏe của người dân.

Cụ thể, cường độ âm thanh trên 85 đề xi ben (db) sẽ có thể gây điếc đột ngột. Những tiếng hát lớn, có khuếch đại âm thanh thì cường độ khoảng 110 db, ảnh hưởng gấp đôi.

Theo đó, tác hại đầu tiên là ảnh hưởng tới giấc ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất lao động. “Theo thống kê, người thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn thì mức độ sử dụng thuốc an thần cũng cao hơn bình thường", ông Hưng thông tin.

Cũng theo ông Hưng, nếu tiếp xúc nhiều có thể gây suy nhược thần kinh, ảnh hưởng đến tâm thần; ảnh hưởng đến tim mạch, tăng huyết áp, có thể dẫn tới đột quỵ với người lớn tuổi.

 

Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM 'kêu khó' trong xử lý tiếng ồn karaoke

Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM 'kêu khó' trong xử lý tiếng ồn karaoke

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP.HCM cho biết, việc xử lý ô nhiễm tiếng ồn khó thực hiện vì có nhiều hạn chế trong quy định xử phạt, đồng thời kiến nghị sửa đổi một số quy định và tăng mức xử phạt.

Hồ Văn