Dù chuẩn bị sẵn tâm lý, song không ít thực khách phải bàng hoàng với giá dịch vụ, ăn uống leo thang như thế này.
Dường như đã trở thành quy luật, đến ngày này, các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên Đán lại “thi nhau” tăng giá đặc biệt là những quán ăn, gánh hàng rong phục vụ ăn vặt. Thanh niên đi chơi Tết, ngắm pháo hoa về ai nấy cũng đều vui vẻ khi thấy quán ăn phố cổ vẫn mở dù đã 1 - 2 giờ sáng, thế nhưng chỉ cần ngồi vào chỗ, ăn no nê xong, không ít thực khách phải chóng mặt, buốt ruột, nhăn nhó khi móc ví trả tiền.
"Cả năm chỉ một vài ngày kiếm như này là đủ ăn cả tháng", là lời chia sẻ thật thà của bà Bàng - chủ quán bún ốc ở phố Phủ Doãn, Hà Nội. Như thường lệ, quán bún của bà mở quanh năm, nhưng mỗi ngày chỉ mở từ sáng tới trưa. Thế nhưng, riêng Tết, bà huy động anh em họ hàng cùng chung tay "chăm quán" mở cửa 24/24 để phục vụ nhu cầu ăn uống của người dân.
Đêm giao thừa tới tờ mờ sáng, quán ăn trên phố cổ vẫn sáng trưng để thu hút khách đến ăn (Ảnh: HH)
|
Từ những gánh hàng rong tới quán ăn đều thi nhau tăng giá
|
Ngay từ sáng mùng 1, những gánh rong trứng vịt lộn đã được bán tấp nập
|
Sau khi được lót dạ bát bún ngon tuyệt, thực khách không khỏi giật mình với chiêu móc ví của chủ quán
|
Anh Anh Tú (Bạch Đằng, Hà Nội) chia sẻ: "Sáng mùng 1, tôi bất ngờ khi ăn bát miến lươn lèo tèo với giá gần trăm nghìn bạc"
|
Dọc các phố Đường Thành, Hàng Bông, Phủ Doãn, Hàng Gà, Hàng Ngang, Hàng Bè, Cầu Gỗ, Hàng Buồm,... từ đêm 30 tới sáng mùng 1 Tết, hàng nào tấp nập khách ra vào ăn uống.
Nhớ lại bát miến lươn đêm 30 mà mình ăn ở phố Hàng Gà, anh Xuân Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội) không khỏi ấm ức: "Bát miến lèo tèo chỉ vào miếng lươn, gắp 3 gắp là xong cả bát. Vậy mà đứng lên tôi phải ngậm ngùi móc ví trả 160.000 đồng cho 2 bát bún như vậy. Đầu năm chẳng lẽ lại đứng cãi nhau, năm sau chả dám lên phố ăn khuya nữa".
Sau khi đi xem pháo hoa về, nhóm bạn của chị Thu Thủy (Lĩnh Nam, Hà Nội) ghé vào một quán bún ốc trên phố Hàng Gà ăn đêm. Cả nhóm đã vô cùng bất ngờ khi bà chủ quán tăng giá bát bún ốc, bún riêu được niêm yết từ 30.000 đồng lên 80.000 đồng/bát, 1 đĩa quẩy 10 cái được tính 50.000 đồng. Khi thắc mắc về sự tăng giá này, chị Thủy nhận được câu trả lời: “Các em đi chơi trong khi chị phục vụ bọn em, chị đâu có thời gian chơi đâu. Các em phải trả phí phục vụ là chuyện bình thường", biết không nói lý được, nhóm bạn chị trả tiền rồi đi luôn.
Khảo sát một loạt quán ăn trên phố cổ, giá một bát bún ở Phủ Doãn ngày thường ở mức trên 30.000 đồng nay lên tới 70.000 đồng/1tô. Ở phố Chân Cầm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) một bát bún sườn chấm từ 50.000 đồng lên 150.000 đồng.
Chị Nguyễn Tuyết Mai (Linh Đàm) cho biết: “Sáng sớm mùng 1, hai vợ chồng lên phố cổ ăn sáng. Sau một ngày 'vật vã' với bánh chưng, giò chả, canh măng, được ăn phở bò, dù bát phở lèo tèo vài lát thịt song chúng tôi thấy rất ngon. Thế nhưng hai vợ chồng phải choáng váng khi bà chủ quát thét giá 70.000 đồng/bát, nước dùng gọi thêm 20.000 đồng/lần".
Từ các con phố lớn đến con ngõ nhỏ, nhiều quán bún phở miến mọc lên phục vụ nhu cầu của thực khách
|
Bà Linh - bán bún cua trên phố cổ cho biết, từ đêm 30 đến sáng mùng 1, quán của bà không ngớt khách.
|
Nhiều món ăn "giải ngấy" mọc lên như nấm để thu hút người dân
|
Cứ những ngày Tết giá cả lại "leo thang" nhưng vẫn khiến không ít người bực mình.
|
Chuyện hàng ăn, dịch vụ “chặt chém” thoải mái "giờ nóng" gần như đã thành thông lệ, khiến nhiều người bực mình. Theo họ, mất nhiều tiền không phải là nguyên nhân chính, mà cái chính là cảm giác bị bắt chẹt. “Tôi không thể hiểu nổi lối làm ăn này. Làm ăn kiểu chộp giật, thời vụ", chị Mai nói.
Có những quán hàng rong bán bún ốc, bún riêu từ đêm 30 Tết, sáng mùng 1 đã đẩy giá bán lên 70.000 đồng/bát (so với mức 25.000 đồng của ngày thường).
Mấy năm trước, những hàng ăn đêm mở sau giao thừa chỉ lác đác và cũng khá khó để chọn cho mình một quán ưng ý. Nhưng năm nay, các quán ăn bán đêm giao thừa đến sáng mùng 1 để phục vụ thực khách có khá nhiều.
Anh Dương (Mai Dịch, Hà Nội) chia sẻ: “Sau khi đón giao thừa về, vợ chồng mình có ăn bánh cuốn thịt ở một quán vỉa hè dọn vội trên Hàng Điếu. Đứng dậy, mình giật mình khi bà chủ hét giá 180.000 hai đĩa, hai cốc trà nóng 40.000 đồng. Biết mình bị chặt đẹp nhưng thôi cãi cọ chẳng để làm gì. Biết thế, về nhà ăn bánh chưng cho đỡ tức”.
(Theo Trí Thức Trẻ)