- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định Chính phủ sẽ mạnh tay với doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, cho thí điểm phá sản ngân hàng yếu kém.

Tại phiên thảo luận tổ QH về kinh tế xã hội hôm nay, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, thời gian tới, việc thực hiện tái cơ cấu sẽ được triển khai rốt ráo, Bộ Chính trị sẽ ra nghị quyết riêng về tái cơ cấu.

Trong 5 lĩnh vực, tái cơ cấu thu chi ngân sách nhằm đảm bảo an toàn bền vững nợ công là ưu tiên số 1. Quan điểm là chi tiêu trong khả năng nền kinh tế, vay trong khả năng trả nợ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính.

Còn 3 lĩnh vực cũ gồm tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu ngân hàng sẽ được tiến hành quyết liệt.

Nhà nước không thể mua 0 đồng được mãi

Đối với hệ thống ngân hàng, Phó Thủ tướng cho rằng việc xử lý nợ xấu cần thực chất hơn.

“Hiện nay dư luận quan tâm có hay không việc dùng nguồn lực nhà nước để xử lý ngân hàng yếu kém và nợ xấu? Chúng ta đừng lẫn lộn giữa ngân sách nhà nước và nguồn lực nhà nước”, Phó Thủ tướng nêu.

{keywords}
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết việc tái cơ cấu các ngân hàng, doanh nghiệp yếu kém thời gian tới sẽ được triển khai quyết liệt. Ảnh: Phạm Hải

Phó Thủ tướng cho biết, lâu nay đều dùng nguồn lực nhà nước, khi các tổ chức tín dụng trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu thì chỉ phải đóng thuế 25%; hay việc cho VAMC phát hành trái phiếu đặc biệt thông qua tái cấp vốn, bởi cho vay thông thường thì lãi suất 7-8%, còn tái cấp vốn chỉ 3%....

“Lần này chúng ta khẳng định rằng có thể sử dụng nguồn lực nhà nước mạnh hơn để xử lý nợ xấu... Tới đây lãnh đạo Chính phủ sẽ mạnh dạn cho thí điểm phá sản các ngân hàng yếu”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, việc này sẽ cảnh tỉnh được các ngân hàng cổ phần, nhằm bảo vệ quyền lợi người gửi tiền.

"Nếu cứ làm ăn yếu kém rồi lại để Nhà nước lo bằng cách mua lại 0 đồng mãi là không thể được", ông nói.

Dứt khoát xử lý doanh nghiệp thua lỗ

Với lĩnh vực tái cơ cấu doanh nghiệp, Phó Thủ tướng nêu thực trạng trước đây số lượng doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nhiều nhưng tổng vốn hoá rất thấp.

Giờ xác định rõ, với loại 100% vốn nhà nước cần giữ thì phải giữ, rồi loại 65% và loại 50%, còn loại dưới 50% thì có thể thoái hết vốn.

“Doanh nghiệp nào cổ phần hoá hết rồi thì dứt khoát phải lên sàn, không được trốn niêm yết và công bố thông tin. Doanh nghiệp nào trốn tránh việc này sẽ công khai cho dân biết, Phó Thủ tướng nói.

Ông cho biết, trước đây nhiều doanh nghiệp thua lỗ thường xin cơ chế, nhưng bây giờ phải phân loại. Nếu thua lỗ do khách quan, khả năng còn tái cơ cấu được thì mới tập trung tái cơ cấu.

“Doanh nghiệp nào thua lỗ, dự án đầu tư không có hiệu quả thì dứt khoát xử lý chứ không tái cơ cấu. Như gang thép Thái Nguyên bây giờ mà bỏ thêm tiền nhà nước vào nữa là chết”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết quan điểm nhất quán là sẽ không cứu các DNNN làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả.

Thuý Hạnh - Thu Hằng