- Sáng nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác của Chính phủ có Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thị sát và thăm hỏi, động viên bà con vùng rốn lũ tại xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, Lai Châu.
XEM CLIP:
Trận lũ đi qua để lại cảnh tượng tan hoang. Tận mắt chứng kiến cảnh mất nhà cửa, ruộng vườn của bà con vùng lũ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước chia sẻ những khó khăn, mất mát của chính quyền và nhân dân các tỉnh, nhất là tỉnh Lai Châu nơi bị thiệt hại nặng nề nhất trong đợt thiên tai vừa qua.
Phó Thủ tướng gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân các gia đình có người bị chết, mất tích.
Phó Thủ tướng động viên, chia sẻ với người dân trước cảnh đau xót cửa mất, nhà tan sau trận lũ. Ảnh: Xuân Tuyến |
"Hiện nay mới là đầu mùa mưa lũ, thời gian tới, thiên tai còn diễn biến phức tạp, khó lường. Để nhanh chóng khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua, chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai, tôi đề nghị Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, cấp uỷ, chính quyền các cấp của tỉnh Lai Châu và các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Công điện của Thủ tướng", Phó Thủ tướng nói.
Theo đó, UBND các tỉnh vừa bị thiệt hại do mưa lũ, nhất là các tỉnh Lai Châu, Hà Giang: tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tập trung nỗ lực cao nhất tìm kiếm những người còn mất tích (lưu ý khi điều kiện thời tiết cho phép để bảo đảm an toàn cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn).
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vào vùng rốn lũ ở Lai Châu. Ảnh: Xuân Tuyến |
Đồng thời rà soát, chủ động di dời khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để đảm bảo an toàn tính mạng.
Cùng với đó, tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ có người bị nạn; hỗ trợ cứu chữa người bị thương, mai táng chu đáo cho người bị thiệt mạng; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa hoặc phải di dời; tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm, đảm bảo không để người dân bị đói; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực bị sạt lở, ngập sâu, không để thiệt hại đáng tiếc về người; huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh môi trường sau lũ.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm khắc phục hậu quả của Trận lũ, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống |
Đoàn Công tác của Chính phủ trên đường đi vào rốn lũ xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, Lai Châu |
Phó Thủ tướng cũng lưu ý các lực lượng chức năng, chủ động khắc phục hậu quả, tập trung khôi phục công trình hạ tầng hư hỏng, đặc biệt là các trạm y tế, bệnh viện, trường học, công trình giao thông, thủy lợi, điện để bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho người dân.
Ông cũng lưu ý các bộ ngành cùng vao cuộc khắc phục thiên tai, hỗ trợ người dân từ chỗ ở, đi lại, đến việc học hành, khám chữa bệnh, khôi phục sản xuất. Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương việc bảo đảm an toàn cho học sinh, nhất là đối với các học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trên địa bàn các tỉnh bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.
XEM CLIP:
Cảnh tượng tan hoang sau khi cơn lũ đi qua |
Theo báo cáo của UBND tỉnh Lai Châu, thiệt hại tính đến ngày 26/6, đã có 11 người chết, 11 người mất tích và 7 người bị thương.
Hàng trăm căn nhà bị đất, đá trôi, sạt lở gây hư hỏng, cuốn trôi; các trại nuôi trồng cá ở xã Sơn Bình, huyện Tam Đường bị cuốn trôi, vùi lấp hoàn toàn; hơn 50 con trâu, hơn 5.000 con gia cầm bị lũ cuốn trôi; hàng trăm hecsta lúa và hoa màu bị vùi, lấp, cuốn trôi,...
Ngoài ra, mưa lũ cũng cuốn trôi và làm hỏng 68 công trình, 17 cột điện bị đổ gãy; trường THPT và trụ sở UBND xã Phúc Than, huyện Than Uyên; phòng Giáo dục huyện Tân Uyên bị hư hỏng.
Quốc lộ 4D thiệt hại nặng và đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên đoạn từ Km71-Km85 (xã Sơn Bình), đất đá sạt lở tại nhiều vị trí với khối lượng rất lớn, kèm theo nước mưa, nước suối chảy tràn trên nền, mặt đường, phá hủy kết cấu công trình giao thông. Giao thông trên đoạn tuyến bị ách tắc từ rạng sáng ngày 24/6.
Nhiều tuyến Quốc lộ bị sạt lở nền, mặt đường gây tắc đường và nhiều cầu treo, bê tông… bị cuốn trôi.
Tổng khối lượng đất, đá sạt lở trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên bản, liên xã trên 800.000 m3.
Uớc tổng giá trị thiệt hại về tài sản, cây trồng, vật nuôi, cơ sở hạ tầng trên toàn tỉnh là khoảng 270 tỷ đồng.
Sạt lở, tắc đường Lai Châu: Nhiều người bị kẹt, nhịn đói cả ngày
QL 4D, Km75, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, Lai Châu sạt lở, gia đình chị Ma Thị Sính và nhiều người bị kẹt lại, phải nhịn đói từ sáng đến chiều tối để chờ thông đường.
Xe đặc chủng, xuồng cứu hộ đón thí sinh thi THPT quốc gia
TP Hà Giang sáng nay tiếp tục có mưa to, các ngành chức năng đã sử dụng xe đặc chủng, xuồng để đưa các thí sinh đến dự kỳ thi THPT quốc gia 2018.
17 người chết trong mưa lũ, cảnh báo khẩn tới Quảng Ninh, Lạng Sơn
Số người chết trong mưa lũ tại vùng núi phía Bắc đã tăng lên 17, mưa lớn đang lan sang khu vực Quảng Ninh, Lạng Sơn.
Mưa lũ kinh hoàng ở Lai Châu: Ô tô trôi xuống vực, đường bị cuốn phăng
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, thống kê trên toàn tỉnh đến thời điểm hiện tại có 3 người chết, 8 người mất tích và 5 người bị thương.
Tan hoang vùng lũ, 2 mẹ con bị vùi chết thảm
Cuộc sống của hàng trăm hộ dân miền núi phía Bắc bị đảo lộn sau khi cơn lũ đi qua. Đã có 14 người chết, 11 người mất tích, thiệt hại hơn 100 tỷ đồng.
Hình ảnh Quốc lộ 4D qua bản Chu Va tan hoang trong cơn lũ dữ
Hàng nghìn mét khối bùn đất và đá khiến cho tuyến đường bị tê liệt hoàn toàn, đồng thời nhấn chìm toàn bộ bốn trang trại nuôi trồng cá hồi, cá tầm của người dân.
Thu Hằng - Ảnh: Xuân Tuyến