- "Chính sự thiếu hụt ca khúc hay, những tài năng ca hát đích thực nên khá nhiều ca sĩ đứng trên sân khấu bây giờ thay vì hát hay, phô diễn bản lĩnh chuyên nghiệp, lại thích hát nhép, trang phục phơi bày thân thể để đánh lừa bộ phận khán giả dễ dãi, thích nhìn ngắm hình thể nghệ sĩ hơn là nghe hát", PGS. TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái bình luận thẳng thắn.



Chưa lúc nào, vấn đề ăn mặc của nghệ sĩ lại làm Bộ VHTTDL "đau đầu" như hiện nay. Hàng loạt các cuộc họp báo gần đây do Bộ VHTTDL chủ trì cũng chỉ nhằm tìm phương thuốc trị "căn bệnh" ca sĩ hở và hát nhép. VietNamNet có buổi trò chuyện thú vị với PGS, TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái để truy tìm căn nguyên và phương pháp điều trị "căn bệnh" này.

Sự sa sút về thẩm mỹ

PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, nghệ sĩ hát trên sân khấu biểu diễn bây giờ đang thành hiện tượng SOS về thẩm mỹ. Có hai vấn đề phải báo động cho giới nghệ sĩ hát trên sân khấu biểu diễn.

Thứ nhất, nhiều bài hát bây giờ chưa được lành mạnh, chưa hay, trơn tuột, chưa đụng đến trái tim người nghe. Ca sĩ đứng trên sân khấu hát về tình yêu thường rên rỉ, não tình. Cũng có những ca sĩ, nhạc sĩ nỗ lực viết được ca khúc hay, nhưng những ca khúc đó chiếm một tỉ lệ nhỏ nhoi so với số lớn các bài hát não tình đang phổ biến.

Nhiều cuộc thi ca hát và sáng tác đang diễn ra cũng là nỗ lực tìm kiếm cái mới, để thay đổi thực trạng đáng buồn này. Tuy nhiên, những ca khúc thực sự xuất sắc cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, âm nhạc thiếu hẳn những ca khúc mang  hơi thở thời sự của nỗi lòng người Việt trong giai đoạn hiện nay.

Thứ hai, giới nghệ sĩ hiện nay đa phần thiếu vắng thẩm mỹ lành mạnh cần phải có của người đứng trên sân khấu biểu diễn. Bởi một nghệ sĩ hát có thẩm mỹ tốt, phải biết rõ nội lực trong tiếng hát của mình, biết chọn trúng bài hát hay, phù hợp với tính cách âm nhạc của mình. Và phải biết xử lý không gian sân khấu trên sàn diễn, biết đặt ca khúc trong sự kết nối thẩm mỹ về mọi mặt biểu diễn của mình: từ buông câu nhả chữ, cho đến biểu cảm trong vũ đạo, hóa trang, phục trang… chỉ để phục vụ cho việc trung tâm là: biểu diễn tiếng hát của mình trên sân khấu.

Và chính những thiếu hụt thẩm mĩ đó, mà một số nghệ sĩ tự bù đắp bằng “chiêu trò” hình thức như hát nhép và ăn mặc hở hang. Nên hát nhép được họ coi là điều “thế chân”  rất bình thường. Thay vì hát tử tế, nghiêm chỉnh, hát thật giọng của mình phải được coi trọng số một trên sân khấu, thì  họ “đổi chỗ”, coi việc hát nhép và khoe thân thể là số 1, tiếng hát  bị đẩy xuống số 2. Tôi không bao giờ tin đó là ứng xử văn hóa của nghệ sĩ hát chuyên nghiệp đối với nghệ thuật hát của mình trên sân khấu, bởi, khi hát trước công chúng, họ coi đó là hạnh phúc lớn nhất của nghề nghiệp, họ tôn trọng chính mình và khán giả, họ không bao giờ muốn lập lờ đánh lận con đen và đánh tráo khái niệm!

Chình vì vậy, lộ hàng, hát nhép (tự nhiên như có “họ hàng” với nhau) đã thể hiện sự sa sút về mặt thẩm mỹ, trước tiên là ở một bộ phận không nhỏ của giới nghệ sĩ. Bởi vì bản thân họ đã không có khả năng tự phân biệt được hở đến đâu là đẹp, là gợi cảm và hở đến đâu là lố bịch, phản cảm. Ở đây phải có cảm giác mức độ từ nghệ sĩ, phải tự mình ý thức được lằn ranh giữa sự thẩm mỹ và phi thẩm mỹ (có khi chỉ cách nhau “một sợi tóc” mà không ai có thể “bảo ban” được, cũng không luật pháp nào quy định được những tinh tế ấy về thẩm mĩ, ngoài người nghệ sĩ, bất kể là vô tình hay hữu ý! Chính bởi thế nên ca sĩ Thu Minh, người mẫu Thái Hà, ca sĩ Minh Hằng....mới ngạc nhiên đến vậy khi báo chí, khán giả cho rằng trang phục biểu diễn của họ là phản cảm. (Và trong số này, chỉ duy nhất Thu Minh thú nhận khảng khái sự “xấu hổ” của mình về trang phục hở hang, biết xin lỗi thành thực và hứa hẹn sẽ không tái diễn). Phải chăng, việc ăn mặc phản cảm, quá mù ra mưa, hát nhép một cách tự nhiên nhi nhiên” như thế là bởi vì trong quan niệm của một số nghệ sĩ, đấy không phải là hở, là phản cảm, buông tuồng dễ dãi...họ cho rằng như thế là đẹp, là gợi cảm. Quả là một nhầm lẫn nhãn tiền và chết người!

Tại anh tại ả, tại cả đôi bên...

Ca sĩ trên thế giới có người thích phơi bày cơ thể trên sân khấu (không phải không bị la ó và cũng không phải không có hiệu quả) nhưng ở Việt Nam thì văn hóa và thẩm mỹ Việt Nam không/chưa chấp nhận điều đó. Sai lầm của bộ phận ca sĩ, người mẫu bây giờ là học đòi văn hóa phương Tây, không có khả năng thanh lọc, điều chỉnh qua bộ lọc thẩm mỹ của Việt Nam, bắt chước một cách sống sượng, hóng hớt, “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”. Dân gian nói: “ Đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại”, nhưng, phô ra đến đâu thì là khoe, đến đâu là phô ra để “lộ hàng”,"làm hàng". Lại còn đến đâu để “bán hàng” nữa, chính là điều phải bàn và phải được tự ý thức trước hết từ phía người ca sĩ hát trên sân khấu.

Và để xảy ra rất nhiều chuyện đáng buồn này, khán giả cũng góp một phần trách nhiệm không nhỏ. Nhiều nghệ sĩ đã chiều theo chính thị hiếu của một bộ phận khán giả chỉ thích nhìn ngắm hình thể nghệ sĩ, nhất là trong những trang phục kiệm vải, hơn là thích nghe hát, dù nghệ sĩ đó hát hay. Có khi, bản thân nghệ sĩ đâu thích hát nhép, nhưng một khi đó là giải pháp tình thế được lựa chọn, mãi rồi thành trào lưu hát nhép, thì nghệ sĩ cũng chiều theo, bởi nó đã đánh lừa được những cái tai của khán giả vốn ưu tiên số một cho việc ngắm nhìn thân thể nghệ sĩ. Vậy nên, nhiều khán giả đi nghe hát, do mải miết ngắm nhìn ca sĩ, cũng chẳng phát hiện ra ca sĩ hát nhép, trừ những sự cố lố bịch như ca sĩ làm rơi micro…

 Cho nên, lại như dân gian nói: Tại anh tại ả, tại cả đôi bên…

Một phần nữa, truyền thông cũng khiến nghệ sĩ có thể càng thích để hở hơn, bởi được chính giới truyền thông khuyến khích. Hình như càng hở, họ lại càng được lên báo (kể cả lên báo để phê phán). Tự nhiên hình ảnh, tên tuổi của họ được liên tục cập nhật, không phải vì sản phẩm âm nhạc gì mang tầm ảnh hưởng, mà toàn chuyện ầm ĩ …ngoài âm nhạc, trong hậu trường, kể cả chuyện…phòng the. Được lên báo, bất kể là scandal, họ đều thích. Và càng những người kém tài năng, hoặc hết thời vàng son, mới sử dụng đến hở và hát nhép. Do vậy, truyền thông cũng phải biết tiết chế hơn khi đăng những tin bài, hình ảnh của ca sĩ hở và lộ. Đừng cổ xúy (kể cả vô tình) cho thói ăn mặc hở hang như vậy, nhằm câu khách!

Ở đây, còn phải kể đến cách xử lý của các nhà quản lý văn hóa văn nghệ đối với hiện trạng này. Xử lý nhiều khi không phải lối, lúng túng trong việc quy chuẩn thẩm mĩ, không đồng bộ, đồng thuận trong sự phối hợp giữa các bên liên quan vv…phải chăng, chính những nhà quản lý cũng góp phần làm loạn chuẩn thẩm mỹ trong việc điều hành ca sĩ biểu diễn những năm gần đây?

Theo PGS, TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái giải pháp trị căn bệnh hở và hát nhép thứ nhất, mức độ phạt có thể tăng, thí dụ từ 3,5 triệu đồng lên đến 350 triệu đồng, kiên quyết không cho những người bị phạt xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Thứ hai, hàng năm nên tổ chức tập huấn, rút kinh nghiệm thực tiễn cho các nghệ sĩ về thẩm mĩ và kỹ năng biểu diễn trên sân khấu. Nếu họ còn muốn biểu diễn trên sân khấu, đứng trước công chúng, thì phải giúp họ để tự họ ý thức và tự trang bị cho mình một thẩm mỹ lành mạnh, (trên tinh thần tự cứu mình trước khi trời cứu). Cơ quan quản lý văn nghệ nhà nước nên tập hợp nghệ sĩ lại để chấn chỉnh, tập huấn cho nghệ sĩ kỹ nghệ nền tảng biểu diễn sân khấu, giáo dục thẩm mỹ cho các nghệ sĩ và đạo đức nghề nghiệp. PGS, TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái đề nghị cơ quan quản lý nên lập lại cái gọi là thẻ hành nghề cho nghệ sĩ để họ ý thức được sứ mệnh nghệ thuật và sự chuyên nghiệp của mình.

Tình Lê ghi