Phong Lộc là xã vùng đồng chiêm trũng, địa hình sâu trũng của huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Những năm thời tiết, khí hậu phức tạp rất khó khăn cho sản xuất và đời sống nhân dân.
Tuy nhiên với quyết tâm biến khó khăn, thách thức thành lợi thế, cơ hội phát triển, các thế hệ cán bộ và nhân dân Phong Lộc đã ra sức hưởng ứng phong trào Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới.
Thành quả của chương trình làm thay đổi miền quê nghèo Phong Lộc, khởi sắc cả bề rộng lẫn chiều sâu. Các công trình cơ sở hạ tầng, phúc lợi khang trang, hiện đại; những ngôi nhà xây mới, khuôn viên, tường rào của nhà dân được chỉnh trang sạch, đẹp, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt...
Ngay sau khi nhận được văn bản chỉ đạo, điều hành của tỉnh và huyện, Ban Thường vụ Đảng ủy xã Phong Lộc đã chủ động chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới theo các lộ trình cụ thể.
Do xuất phát điểm thấp nên khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, Phong Lộc mới đạt 4/19 tiêu chí. Xác định xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, làm thay đổi căn bản, toàn diện vùng quê nghèo, xã đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ, quyết liệt.
Đặc biệt, Ban Chấp hành Đảng bộ xã ra nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới, thành lập Ban Chỉ đạo; xây dựng chương trình hành động thực hiện, phân công các ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, các ngành, đoàn thể, cán bộ, công chức phụ trách và hướng dẫn các thôn tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, tích cực thực hiện các biện pháp tuyên truyền, nêu bật mục đích, ý nghĩa của Chương trình xây dựng nông thôn mới trên hệ thống loa truyền thanh. Lồng ghép tuyên truyền trong các hội nghị của các ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức chính trị xã hội. Quán triệt sâu sắc các nội dung quy hoạch, đề án, kế hoạch thực hiện đến cán bộ, đảng viên và người dân trong toàn xã nhằm tạo chuyển biến căn bản về tư tưởng, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới
Xã Phong Lộc đã biểu dương những cách làm hay, những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào xây dựng nông thôn mới để toàn dân hăng hái tham gia. Mặt trận Tổ quốc xã, Ban Công tác mặt trận các thôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thực hiện phong trào thi đua, đồng thời tham gia giám sát việc tổ chức thực hiện các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.
Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tổ chức nhiều buổi tập huấn, mở lớp dạy nghề, tổ chức các hội thi chung tay xây dựng nông thôn mới.
Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, “Thanh niên làm theo lời Bác” vận động hội viên, đoàn viên gương mẫu đi đầu trong các phong trào làm kinh tế giỏi, xung kích trong phong trào bảo vệ môi trường… Từ những cách làm hay, những mô hình điển hình đã có sức lan tỏa rộng khắp trong toàn xã.
Với quan điểm xây dựng nông thôn mới phải bắt đầu từ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân để tạo nguồn lực đóng góp của nhân dân. “Lấy sức dân để lo cho dân”, “Nhân dân là chủ thể trong việc xây dựng nông thôn mới” và nhân dân là người trực tiếp hưởng thụ thành quả xây dựng nông thôn mới, xã Phong Lộc đã tiếp thu có hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn cho nhân dân tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Phong trào thi đua lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo ở tất cả các lĩnh vực đã phát triển đều khắp trên địa bàn xã. Nổi bật là chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế trang trại, gia trại, triển khai cơ giới hóa đồng bộ trong gieo trồng gắn với quy hoạch thâm canh cánh đồng mẫu lớn.
Cùng với những cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh và huyện, xã đã ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ kích cầu các thôn và nhân dân đầu tư xây dựng các hạng mục công trình theo tiêu chí nông thôn mới. Huy động mọi nguồn lực để xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới.
Kết quả, tổng huy động thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của xã Phong Lộc trong 11 năm vừa qua đạt gần 290 tỷ đồng. Trong đó, vốn do nhân dân đóng góp, đầu tư gần 239,5 tỷ đồng, vốn ngân sách xã hơn 37 tỷ đồng, số vốn còn lại là hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, tỉnh và huyện.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, đời sống của nhân dân đã được cải thiện rõ rệt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của xã đạt 13%; tổng thu nhập toàn xã đạt 187.326 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 48,52 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,0%. Hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, an ninh - trật tự, an toàn xã hội ổn định.
Xã Phong Lộc đã đạt 19/19 tiêu chí và được Chủ tịch UBND tỉnhThanh Hóa công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Sau hơn 11 năm vượt khó thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, với các giải pháp đồng bộ đã thực sự làm thay đổi toàn diện tình hình kinh tế - xã hội địa phương, nhận thức của người dân, đời sống kinh tế được nâng lên rõ rệt, con người có ý thức hơn trong công tác bảo vệ môi trường.
Hệ thống hạ tầng đã được đầu tư tương đối đồng bộ phục vụ phát triển sản xuất, dân sinh. Đã hình thành mô hình sản xuất có hiệu quả, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân.
Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Phong Lộc giảm nhanh làm cho đời sống tinh thần của người dân được nâng cao. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Mặt trận Tổ quốc tổ chức lấy phiếu đánh giá sự hài lòng của người dân đối với việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, hầu hết nhân dân đều phấn khởi, hài lòng với các tiêu chí.
Thời gian tới, xã Phong Lộc tiếp tục tập trung chỉ đạo, phát huy tiềm năng thế mạnh nội lực, tranh thủ nguồn ngoại lực cho Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, huy động sức mạnh của toàn dân trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Trọng tâm là khai thác tiềm năng, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân. Tiếp tục tích tụ ruộng đất, dồn đổi ruộng, sắp xếp bố trí lại sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp, chuyển dịch nhanh cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Chăm lo phát triển giáo dục, y tế, văn hóa xã hội, an ninh trật tự, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.