chay no chua.jpg
Công an quận Hoàn Kiếm tuyên truyền PCCC trên địa bàn.

Hẳn nhiều người chưa quên việc nhà Tam bảo của chùa Linh Quang (thôn Đông Thượng, xã Đông Yên, Quốc Oai, Hà Nội) có diện tích hơn 200m2, được dựng bằng 120m3 gỗ lim giá trị hơn chục tỷ đồng biến thành than sau vụ cháy trong đêm vào tháng 6/2020.

Hay vụ cháy chùa Cự Đà (xã Đa Tốn, Gia Lâm, Hà Nội) vào tháng 1/2020 cũng là một trường hợp đáng tiếc bởi đây là ngôi chùa cổ được khởi dựng từ thời Lê, có tuổi đời tới 300 năm, được xếp hạng Di tích Quốc gia năm 1996. 

Vụ cháy khiến phần mái của tòa Thượng điện bị sập, các cấu kiện gỗ, vì kèo và hệ thống đồ thờ trong tòa Tam bảo bị than hóa hoàn toàn, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Để chủ động phòng ngừa những tình huống cháy nổ có thể xảy ra nhất là vào thời điểm trước, trong và sau các dịp lễ tết, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ-Công an thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các quy định an toàn về cháy nổ tại khu vực tâm linh như đền, chùa và các cửa hàng kinh doanh vàng mã trên địa bàn.
 
Để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, người dân cũng cần nâng cao ý thức phòng ngừa, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về an toàn cháy nổ. 

Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo Ban quản lý, người phụ trách cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo trên địa bàn thành phố tăng cường tuyên truyền nâng cao kiến thức phòng cháy chữa cháy cho những người làm việc phục vụ tại chỗ, cũng như khách tham quan, du lịch.

Ban quản lý, người phụ trách cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo ban hành các quy định, nội quy về phòng cháy chữa cháy; dự phòng điều kiện thoát nạn khi có cháy xảy ra. 

Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo Ban quản lý, người phụ trách cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện, điện chiếu sáng, dây dẫn điện. Phải có kho bảo quản để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy đối với hương, nến, vàng mã; dụng cụ đỡ hương, đèn bố trí nơi chắc chắn, cố định, tránh ngã, đổ; phải có nơi hủy hương, đèn, vàng mã...; cử người trông coi khi khách đến thắp hương, nến để xử lý ngay những trường hợp bất cẩn.

Ban quản lý các cơ sở tôn giáo không để vật tư, hàng hóa, trưng bày; không cho người dân buôn bán trên lối đi, lan can, hành lang, cửa ra vào, lối thoát nạn; chủ động trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy, đồng thời thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy chữa cháy hiện có, đảm bảo hoạt động tốt khi có cháy xảy ra, như: nước, xô, bình chữa cháy xách tay các loại…

Bàn thờ phải làm bằng vật liệu khó cháy hoặc không cháy và có vách ngăn chống cháy lan sang khu vực xung quanh. Cần quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt tại khu vực bếp, chính điện, kho, bãi xe…

Ban quản lý, người phụ trách cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo tổ chức tập huấn cho các lực lượng chữa cháy tại chỗ về thao tác sử dụng bình chữa cháy, các điều kiện thoát nạn; hạn chế đến mức thấp nhất việc thắp hương, nến thờ cúng và hóa vàng.

Khi xảy ra cháy, Ban quản lý các cơ sở tôn giáo cần báo ngay cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp qua số 114 hoặc báo cho chính quyền sở tại để được hỗ trợ.