Muốn có một nông thôn mới bền vững thì phải có nông dân chuyên nghiệp
Ông Võ Hoàng Cương, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp, đơn vị tổ chức phong trào phân tích, hiện nay có khoảng gần 60% hộ nông dân tham gia Hội Nông dân. Đa phần bà con còn thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật, thiếu vốn, vật tư tốt, cây và con giống tốt, thiếu thông tin thị trường, thiếu liên kết và chia sẻ. Cho nên, tuy bà con tốn nhiều công sức nhưng hưởng lợi còn chưa nhiều.
Muốn có một nền nông nghiệp khác hơn thì phải có những người nông dân khác. Nếu người nông dân không thay đổi thì vẫn mãi nghèo.
Muốn trở thành một nông dân chuyên nghiệp thì nông dân cần biết xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản, không ngừng nâng cao kiến thức nông nghiệp, có tinh thần hợp tác, liên kết trong sản xuất. Nông dân chuyên nghiệp sản xuất nông nghiệp thông minh hiểu rõ tầm quan trọng của kinh tế tập thể, nắm được quy luật cung-cầu, biết kết hợp bản chất cần cù với sáng tạo và có ý thức bảo vệ tài nguyên môi trường... Khi trở thành nông dân chuyên nghiệp, năng lực cạnh tranh, uy tín và vị thế của nông dân khi giao dịch với doanh nghiệp sẽ được nâng lên.
Phong trào “Người nông dân chuyên nghiệp” được phát động rộng rãi
Bởi thế, phong trào “Người nông dân chuyên nghiệp” được phát động rộng rãi tại các địa phương trong tỉnh Đồng Tháp vào cuối năm 2020. Phong trào tập trung vào hai nhóm gồm nhóm nội dung trên lĩnh vực xã hội và nhóm nội dung trên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Phong trào “Người nông dân chuyên nghiệp” ở nông thôn mới Đồng Tháp |
Trên lĩnh vực xã hội, tất cả thành viên trong hộ gia đình đủ độ tuổi theo quy định tham gia vào một tổ chức chính trị - xã hội hoặc đoàn thể nhân dân nơi cư trú hoặc nơi học tập, làm việc; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân với Nhà nước và địa phương theo quy định. Nhóm nội dung trên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, người nông dân sản xuất hàng hóa nông sản phải tuân thủ các quy định về sản xuất an toàn; đảm bảo hài hòa trong quan hệ hỗ trợ cùng cộng đồng; tham gia các chương trình liên kết trong sản xuất kinh doanh, ứng dụng các quy chuẩn an toàn: VietGAP, GlobalGAP, ISO…
Người nông dân chuyên nghiệp là những người được ưu tiên tham gia sinh hoạt, đề xuất, kiến nghị về chuyển giao khoa học kỹ thuật với ngành nghề, lĩnh vực đang thực hiện; được tham quan, học tập các mô hình hay, cách làm mới; được ưu tiên hướng dẫn, giới thiệu tiếp cận nguồn vốn thông qua các chương trình, dự án, đề án triển khai tại địa phương (nếu có); được hướng dẫn tiếp cận và cung cấp thông tin liên quan đến thị trường, định hướng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản…
“Để trở nên chuyên nghiệp không phải là việc một ngày một lúc mà là một tiến trình biến đổi từng bước, song việc này rất cần thiết và cấp bách” - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh.
Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chỉ rõ, trên địa bàn đã có những nông dân tiên phong, dám nghĩ, dám làm để từng bước trở thành những nông dân chuyên nghiệp mang về lợi ích kinh tế cá nhân và giá trị cộng đồng bền vững.
Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp/Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Lê Thành Công nhấn mạnh, phong trào “Người nông dân chuyên nghiệp” nhằm góp phần thúc đẩy chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp, phát huy vai trò tự chủ, tự quản của người dân trong sản xuất và đời sống tại cộng đồng; định hướng liên kết, hợp tác thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng nông sản, đủ điều kiện tham gia trên thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Ngọc Dũng
Ảnh: Văn Hùng