Thảm họa hạt nhân tại Fukushima đã rò rỉ ra môi trường lượng phóng xạ cao gấp hai lần so với ước tính trước đây của nhà chức trách Nhật, và bằng 40% lượng phóng xạ của thảm họa Chernobyl.
Nhiều cơ sở hạt nhân Mỹ rò rỉ phóng xạ
Nhật: Thêm nhà máy hạt nhân bị rò rỉ phóng xạ
Chuyên gia Andreas Stohl của Viện nghiên cứu Không khí Na uy cho biết, ước tính của Chính phủ Nhật chỉ dựa trên dữ liệu của Nhật Bản và đã bỏ qua lượng phóng xạ bị phát tán xuống biển. Trong khi đó, tính toán về lượng chất Cesium-137 của Stohl căn cứ trên mạng lưới cảm ứng của toàn thế giới.
Thủ tướng Yoshihiko Noda thị sát hoạt động phá dỡ các ngôi nhà nhiễm phóng xạ gần Fukushima. Ảnh: Reuters |
Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại với Reuters, Stohl cho biết do ước tính của chính phủ Nhật quá thiếu chính xác nên số liệu thực tế mà ông thu thập được “không có gì bất ngờ”, và rằng một số chuyên gia thậm chí còn đưa ra ước tính cao hơn của ông nhiều.
Mùa hè vừa qua, Chính phủ Nhật ước tính thảm họa hôm 11/3 tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã làm rò rỉ 15.000 TBq Cesium ra môi trường. (TBq là đơn vị đo phóng xạ chuyên biệt). Trong khi đó, Stohl cho rằng đã có tới 36.000 TBq Cesium phát tán ra môi trường tính đến thời điểm 20/4.
Một phần năm số này ngấm vào đất, trong khi phần còn lại đã rò rỉ xuống Thái Bình Dương, bản báo cáo cho biết.
Cho tới thời điểm này, các chuyên gia chưa đưa ra bất cứ dự đoán nào về số lượng người có thể mắc bệnh ung thư do thảm họa hạt nhân ở Fukushima. Người ta đã phát hiện được bức xạ của sự cố này tại Tokyo và Mỹ, nhưng hiện chưa có hậu quả nào đáng kể được ghi nhận.
Mặc dù vậy, người dân Nhật vẫn hết sức lo ngại về phóng xạ. Nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ ở Tokyo rất lo lắng khi nhà chức trách liên tiếp phát hiện thấy các điểm nóng về bức xạ. Cựu Thủ tướng Naoto Kan cũng cho biết, hầu hết các khu vực bị nhiễm xạ nặng (đã được sơ tán dân) sẽ không thể sinh sống được trong nhiều thập kỷ.
Trọng Cầm