Nhằm khuyến khích phát triển xã hội số, để người dân trở thành những công dân số, khai thác hiệu quả dịch vụ, nền tảng số, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xã Đoàn Đào (huyện Phù Cừ) đã chọn thôn Đoàn Đào làm điểm xây dựng thôn thông minh trên địa bàn xã.

Hiện nay, thôn Đoàn Đào đã được lắp đặt 22 mắt camera an ninh kết nối trực tiếp với trụ sở công an xã. Thôn có hệ thống truyền thanh không dây, có mạng wifi miễn phí tại nhà văn hóa thôn. Cán bộ sử dụng ứng dụng trên nền tảng số, sử dụng ứng dụng zalo để triển khai công việc của thôn để thông tin, tuyên truyền đến người dân; hiện tại trên 90% số người dân của thôn trong độ tuổi lao động sử dụng điện thoại thông minh và tham gia sử dụng các nền tảng số, ứng dụng di động, dịch vụ trực truyến do cơ quan Nhà nước cung cấp.

Còn thôn Quang Xá là thôn đầu tiên của xã Quang Hưng triển khai xây dựng mô hình thôn thông minh, bước đầu đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Giờ đây việc thanh toán không dùng tiền mặt khi đi mua hàng đã trở nên rất phổ biến đối với người dân thôn Quang Xá. Bên cạnh đó, từ khi hệ thống camera an ninh được đưa vào hoạt động tại thôn thì các vụ việc về mất trật tự an ninh nông thôn cũng đã giảm đáng kể.

Việc xây dựng mô hình thôn thông minh ở Quang Xá đã đưa công nghệ đến gần hơn với người dân, góp phần đưa thôn Quang Xá trở thành khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu của xã. Xã Quang Hưng cho biết, từ thành công ở thôn Quang Xá, trong năm 2024 và 2025, xã tiếp tục triển khai mô hình thôn thông minh ở 3 thôn còn lại, phấn đấu đưa xã Quang Hưng trở thành xã thông minh đầu tiên của huyện.

W-loa truyền thanh thông minh hưng yên.jpg
Các thôn thông minh đều được lắp đặt hệ thống loa truyền thanh thông minh 

Cũng giống như các mô hình thôn thông minh khác, thôn Duyệt Văn được xã Minh Tân chọn là thôn đầu tiên thực hiện mô hình này. Từ ngày xây dựng thôn thông minh, Duyệt Văn được đầu tư hệ thống truyền thanh thông minh đã đem lại hiệu quả tích cực trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và chương trình xây dựng nông thôn mới.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân Vũ Xuân Thủy, hiện nay, trên 95% các hộ dân ở Văn Duyệt đã lắp đặt và sử dụng internet. Tại nhà văn hóa của thôn đều có kết nối mạng để phục vụ người dân truy cập tìm hiểu thông tin. Điện thoại của người dân cũng dần chuyển sang điện thoại thông minh, tích hợp nhiều ứng dụng của các ngân hàng để chuyển khoản, quét mã QR code thực hiện giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt.

Thôn có hệ thống camera giám sát an ninh được lắp đặt tại 8 điểm trong thôn, cho phép tích hợp, truy cập xuyên suốt từ cấp tỉnh, huyện, xã để phục vụ công tác theo dõi giám sát theo yêu cầu. 

Huyện Phù Cừ xác định, việc xây dựng mô hình thôn, xã thông minh đang trở thành xu thế tất yếu và là việc làm quan trọng của công tác chuyển đổi số nông nghiệp nông thôn, nhất là chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới hướng tới nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới thông minh. Vì vậy, huyện và các địa phương đã đầu tư kinh phí gần 2 tỷ đồng để xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động 5 thôn thôn minh, gồm: Đoàn Đào, Quang Xá, Hà Linh, La Tiến và Duyệt Văn với các tiêu chí như lắp đặt wifi miễn phí tại nhà văn hóa thôn; hệ thống camera giám sát, an ninh; hệ thống loa truyền thanh thông minh…. 

Hiện nay, huyện đang cho rà soát, xây dựng mô hình xã kiểu mẫu về chuyển đổi số tại xã Đoàn Đào. Đến nay, tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều triển khai xây dựng ít nhất 1 thôn thông minh. Hầu hết các thôn được chọn xây dựng thôn thông minh, đều đã thành lập trang thông tin thôn, xóm, các đoàn thể trên nền tảng mạng xã hội zalo, giúp người dân nhanh chóng tiếp cận thông tin mới một cách chính xác, thuận tiện. 

Xây dựng thôn thông minh là một trong những mục tiêu quan trọng góp phần hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đến năm 2025. Đây cũng là tiền đề hướng tới xây dựng xã nông thôn mới thông minh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn, xây dựng nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại.