UBND huyện Vụ Bản vừa ban hành Qui chế Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Quần thể Di tích Lịch sử - Văn hóa Phủ Dầy. Tuy nhiên, Qui chế vừa ban hành đã vấp phải sự phản đối của người dân.
Vội vã xóa bỏ chủ nhang
Quần thể Di tích Phủ Dầy gắn liền với việc phụng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh - một trong “tứ bất tử” được dân gian suy tôn và phụng thờ. Đây cũng là nơi xuất hiện tín ngưỡng tứ phủ gồm: Thiên phủ (miền trời), nhạc phủ (miền rừng), thoải phủ (miền nước), địa phủ (miền đất) hình thành từ đời sống dân dã, mọi nội dung tín ngưỡng đều xoay quanh những hình thức tôn vinh, ngợi ca các nhân vật trên điện thần, thể hiện qua hệ thống các bản văn chầu.
Người thực hành tín ngưỡng tứ phủ là thủ nhang đồng đền, cung văn và chân đồng, trong đó thủ nhang đồng đền là người vừa cai quản các ngôi đền, phủ, vừa tổ chức các nghi thức hành lễ. Tuy nhiên, những giá trị văn hóa truyền thống này dường như bị chính quyền địa phương bỏ qua khi toàn bộ nội dung Qui chế Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Quần thể Di tích Lịch sử - Văn hóa Phủ Dầy không có một dòng chữ nào nói đến vai trò của thủ nhang đồng đền, mà thay vào đó là cụm từ “người chủ trì” (tức là người trông coi, quản lý di tích)!
Bà Trần Thị Dịu, xóm 3, thôn Tiên Hương, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản cho biết, đây là tín ngưỡng dân gian có từ bao đời nay, được phát triển qua bao thế hệ ông cha. Di tích Phủ Tiên Hương được Nhà nước công nhận Di tích cấp Quốc gia từ năm 1975. Nghi thức hầu bóng, hầu đồng được phục hồi và đang được coi là tài sản văn hóa có giá trị. Việc UBND huyện Vụ Bản lại xây dựng qui chế loại bỏ một chủ thể quan trọng trong tín ngưỡng dân gian là thủ nhang đồng đền!
Theo Nhà nghiên cứu Văn hóa Dân gian Bùi Trọng Hiền, thủ nhang đồng đền từ bao đời nay là một chủ thể nghiễm nhiên, không thể tách rời của tín ngưỡng tứ phủ trong mối quan hệ cung - cầu với các cung văn và lực lượng đông đảo các ông đồng, bà đồng, thường qui tụ trong một tổ chức riêng gọi là bản hội. Đây là điểm khá thú vị trong tín ngưỡng tứ phủ cần được nghiên cứu, bảo tồn.
Phủ Dầy
Còn, bà Trần Thị Duyên, thủ nhang đồng đền Phủ Tiên Hương nói: “Trụ trì một ngôi chùa thì có các nhà sư, cai quản nhà thờ có các vị linh mục, còn đối với tín ngưỡng tứ phủ, thủ nhang đồng đền là một chủ thể. Tôi không đồng ý với nội dung qui chế được UBND huyện Vụ Bản ban hành vì đã phủ nhận giá trị văn hóa tín ngưỡng được hun đúc qua bao đời nay”.
Bình cũ, rượu có mới?
Liên quan đến việc ban hành Quy chế này, ông Phạm Đình Mậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản, đồng thời là Tổ trưởng Tổ Biên tập xây dựng Qui chế về công tác quản lý Quần thể Di tích lịch sử Văn hóa Phủ Dầy đã có buổi họp với thủ nhang các đền, phủ trên địa bàn để tuyên truyền, phổ biến nội dung qui chế. Nhưng, nhiều điểm của quy chế chưa tạo được sự đồng thuận giữa các bên liên quan.
Chính quyền địa phương cho rằng, việc chọn cử người trụ trì (tức là người trông coi, quản lý di tích Phủ Dầy) có nhiệm vụ bảo vệ nguyên trạng di tích; tiếp nhận, quản lý các nguồn công đức, tài trợ, tiền dầu nhang, đặt lễ…
Theo tìm hiểu của PV, quy chế mới ban hành này có tiền thân là Đề án 02, do UBND huyện Vụ Bản thực hiện từ năm 2008, nhưng thất bại. Ông Phạm Đình Mậu cho biết, đề án có những bước làm chưa chặt chẽ, không hiệu quả. Đến tháng 5/2014, huyện tái khởi động quy chế, căn cứ rất nhiều văn bản pháp luật, trong đó có Thông tư liên tịch số 04 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và Bộ Nội vụ về hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.
Theo lãnh đạo huyện, quy chế này tránh được vấp váp của đề án trước đó, vì không đặt vấn đề lập ban quản lý nữa - điểm khiến người dân phản ứng mạnh. UBND xã Kim Thái vẫn tiếp tục chịu trách nhiệm quản lý di tích, thu các phần phí bến bãi, dịch vụ, còn lại các thủ nhang quản lý toàn bộ tiền công đức, giọt dầu tại đền phủ.
Số tiền này được sử dụng theo nguyên tắc “lấy hội nuôi hội, lấy di tích nuôi di tích”, huy động khi tổ chức lễ hội, trùng tu di tích, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, ủng hộ người khó khăn. Chính quyền hoàn toàn không động đến nguồn thu này, thậm chí không biết được tổng số tiền thu được sau mỗi năm ở các đền phủ là bao nhiêu.
Ông Nguyễn Văn Thư - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định cho biết, Lễ hội Phủ Dầy và nghi lễ vhầu văn được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.Đây là cơ sở để Nam Định được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao làm đại diện cho các địa phương lập hồ sơ "Nghi lễ Chầu văn của người Việt". Vì vậy, thay vì tranh cãi để ban hành quy chế, thì các cấp chính quyền địa phương của tỉnh Nam Định và huyện Vụ Bản, tập trung giữ gìn nét đẹp truyền thông của tín ngưỡng chầu văn và nét đẹp của Lễ hội Phủ Dầy.
Tuy nhiên, điểm khúc mắc nhất mà ông Mậu nói đến chính là quy định về người trông coi di tích, thủ nhang phải hội đủ một số tiêu chuẩn như: Là người có hộ khẩu thường trú tại địa phương, ưu tiên người đã có nhiều năm trực tiếp trông coi, quản lý di tích, có thành tích trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, được nhân dân địa phương tín nhiệm, có hiểu biết về lịch sử văn hóa di tích. Sau khi được tín nhiệm, người trông coi sẽ ký một dạng hợp đồng trách nhiệm trong nhiệm kỳ 5 năm, sau thời hạn này nếu làm tốt được xem xét tiếp tục.
Được biết, hạn nộp đơn hết ngày 25/1, lấy làm căn cứ bổ nhiệm đợt đầu, nếu thủ nhang nào không làm đơn mới tính chuyện lấy phiếu tín nhiệm.
Còn phía thủ nhang và đông đảo người dân trong xã thì yêu cầu huyện Vụ Bản giữ nguyên bản sắc, tập tục, tín ngưỡng truyền thống nhất thiết người trông coi phải là thủ nhang, đồng đền.
Liên quan đến việc quản lý khu di tích lịch sử, văn hóa Phủ Dầy, huyện Vụ Bản (tỉnh Nam Định), theo nhà nghiên cứu dân gian Bùi Trọng Hiền: “Nét đặc trưng của Đạo Mẫu là chỉ người có đồng, có cốt mới linh ứng, mới tâm linh. Do đó, không nên cứng nhắc, dùng mệnh lệnh hành chính để áp đặt, đưa ra qui định và thời hạn quản lý đền, phủ của thủ nhang – Người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đã được dân gian suy tôn”.
Có thể thấy, một chủ trương trước khi đưa ra áp dụng trong thực tế cuộc sống cần có những nghiên cứu, đánh giá cụ thể, thận trọng, phù hợp với thuần phong mỹ tục. Nếu không, một quyết định vội vàng, thiếu tính toán sẽ đẩy sự việc đến phức tạp, gây mất ổn định an ninh tại địa bàn.
Hoài Đức