Thanh Hóa 1.jpg
Mô hình sản xuất rau thủy canh lắp đặt hệ thống tưới tự động trên địa bàn xã Phú Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) 

Xác định CĐS không phải là phong trào mà là xu hướng tất yếu thời đại 4.0, là hành trình lâu dài để thay đổi tư duy, nhận thức của đội ngũ cán bộ, người dân, khi được huyện Hậu Lộc giao nhiệm vụ, xã đã xây dựng kế hoạch, trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng về CĐS cho cán bộ, thành viên tổ công nghệ số. Từ đó, đẩy mạnh thực hiện tuyên truyền qua hệ thống phát thanh, trang thông tin điện tử, các hội nghị, tập huấn... về ý nghĩa của CĐS cho người dân, nhất là thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động, hỗ trợ người dân trong quá trình áp dụng vào thực tế.

Bên cạnh đó, phối hợp với các ngân hàng mở tài khoản, tạo QR code, thanh toán qua ứng dụng ngân hàng trên điện thoại thông minh cho tiểu thương, người dân tại chợ và các cửa hàng kinh doanh; hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử, mở tài khoản thanh toán điện tử, sử dụng nền tảng số để quảng bá sản phẩm... Từ đó, người dân đã dần thay đổi thói quen và thấy được sự tiện ích của thanh toán điện tử các dịch vụ như học phí, hóa đơn điện, nước, điện thoại...

Bà Nguyễn Thị Vị, thôn Xuân Yên cho biết: "Ban đầu, khi được khuyến khích thực hiện thanh toán tiền điện qua ứng dụng ngân hàng trên điện thoại, tôi khá e ngại vì có thói quen sử dụng tiền mặt và việc thực hiện các thao tác trên điện thoại còn chậm. Tuy nhiên, sau khi được cán bộ xã hướng dẫn, đến nay tôi không những chủ động thanh toán các dịch vụ, mà còn tham gia vào nhóm zalo của xã để trao đổi thông tin, kịp thời cập nhật các thông tin, hoạt động của địa phương".

Là địa phương có thế mạnh phát triển nông nghiệp, xã Phú Lộc đã vận động, khuyến khích người dân ứng dụng CĐS vào hoạt động sản xuất, tạo ra các loại nông sản chất lượng cao. Theo đó, HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Phú Lộc đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng lắp đặt hệ thống nhà màng, giàn trồng, quạt gió... để sản xuất rau thủy canh và các loại dưa.

Hệ thống tưới nước, phân bón hữu cơ tự động kết nối qua phần mềm được cài đặt trên điện thoại đã đảm bảo việc cung cấp đủ nước cho cây trồng, hạn chế được chi phí thuê nhân công, cây trồng rút ngắn thời gian sinh trưởng; nâng cao năng suất, mẫu mã và chất lượng sản phẩm nông sản.

Nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới, xã Phú Lộc đã chỉ đạo các thôn thành lập nhóm zalo với sự tham gia của đại diện các hộ dân trong thôn để kịp thời phổ biến, thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, cung cấp tin tức hoạt động tại địa phương. Bên cạnh đó, xã đã huy động mọi nguồn lực đầu tư nâng cấp hệ thống máy tính, ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý văn bản, hồ sơ công việc...

Tại khu vực nhà văn hóa, hệ thống mạng wifi phát miễn phí để đáp ứng nhu cầu của người dân tra cứu các thông tin, truy cập các hình thức giải trí. Tại bộ phận một cửa UBND, các thủ tục hành chính đều được cập nhật, niêm yết công khai, minh bạch, người dân được hướng dẫn cụ thể về quy trình, các bước triển khai để có thể dễ dàng thực hiện cả bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến...

Việc triển khai hệ thống camera giám sát an ninh trật tự đã kịp thời phát hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật và tai nạn giao thông trên địa bàn.

Ông Bùi Hải Hưng, Chủ tịch UBND xã Phú Lộc cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã các giao dịch thanh toán với cơ quan chính quyền trong việc trả phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính, thanh toán viện phí, học phí, dịch vụ điện, nước... đã khá phổ biến với người dân.

Vì vậy, thời gian tới, xã tiếp tục đầu tư các hệ thống máy móc, đường truyền áp dụng tại bộ phận một cửa cấp xã, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Nhân dân trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính. Tiếp tục tập huấn, hướng dẫn cho các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng về các nền tảng số.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, Nhân dân về tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc CĐS. Xã phấn đấu tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu đạt từ 70% trở lên, thanh toán được các dịch vụ thiết yếu đạt từ 50% trở lên, gắn mã địa chỉ trên nền tảng bản đồ số đạt 100%...

Theo Lê Ngọc (Báo Thanh Hóa)