Sau hơn 12 năm triển khai thực hiện, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cán bộ và nhân dân, phong trào xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tính đến hết tháng 10/2022, toàn tỉnh có 122/196 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, tăng 4 xã so với năm 2021; có 1.459 khu dân cư đạt chuẩn khu dân cư Nông thôn mới; bốn đơn vị cấp huyện là: Lâm Thao, Thanh Thủy, thành phố Việt Trì và thị xã Phú Thọ đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới.

Với phương châm “giữ chuẩn, thêm chuẩn và nâng chuẩn”, nhằm đưa việc thực hiện xây dựng Nông thôn mới đi vào thực chất, chiều sâu, hiệu quả. Từ năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2662/QĐ-UBND ngày 24/10/2019, về ban hành Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, xã Nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Phú Thọ đến năm 2020; Quyết định số 2663/QĐ-UBND về ban hành Bộ tiêu chí khu dân cư Nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020. Đến nay, việc triển khai thực hiện xây dựng Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan.

Một góc nông thôn mới Hạ Hòa

Toàn tỉnh hiện có một xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao; 25 khu dân cư đạt Nông thôn mới kiểu mẫu, tăng 12 khu so với năm 2021. Bộ mặt Nông thôn trong tỉnh ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.

Việc ban hành Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; xã nông thôn mới kiểu mẫu; khu dân cư Nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 đã tạo điều kiện để quá trình thực hiện nông thôn mới bền vững hơn, đưa các tiêu chí đi vào chiều sâu và mở rộng hơn so với các tiêu chí dành cho xã đạt chuẩn Nông thôn mới trước đây. 

Tỉnh Phú Thọ hướng tới mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh có thêm huyện Thanh Ba và Phù Ninh đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số lên 6 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 139/196 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; trong đó có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Bình quân toàn tỉnh đạt 17 tiêu chí/xã, không có xã đạt dưới 15 tiêu chí…

Bước sang một giai đoạn mới, các kế hoạch xây dựng nông thôn mới cũng phải thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế của Phú Thọ. Theo đó, tỉnh Phú Thọ tiếp tục tập trung đẩy nhanh việc thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; xây dựng các chuỗi hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm cây trồng, vật nuôi chủ lực gắn với chuỗi các chợ đầu mối hoặc trung tâm cung ứng hàng nông sản hiện đại, sàn giao dịch nông sản. Trong đó, tỉnh chú trọng phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng và đặc sản thế mạnh của tỉnh theo Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) gắn với xây dựng thương hiệu, bao bì nhãn mác sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, xác định đây là nội dung đột phá, động lực, sức sống của Chương trình nông thôn mới thời gian tới.

Đối với các xã và huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, tập trung chỉ đạo, xác định nội dung, giải pháp thực hiện, đảm bảo giữ vững và phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, việc xây dựng nông thôn mới đang chuyển biến mạnh mẽ từ "lượng" sang "chất". Do vậy, việc hoàn thiện các tiêu chí mới và giữ vững các tiêu chí đã đạt được trong quá trình xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với các xã thực hiện xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, tỉnh đang triển khai thống kê, rà soát các tiêu chí nông thôn mới đạt và chưa đạt của từng xã để phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức, thành viên trong Ban Chỉ đạo để hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện các giải pháp phù hợp nhằm duy trì và phát triển bền vững các tiêu chí, tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu tại các khu, xã, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới.

Yến Hưng