Vài năm trở lại đây, cây mắc ca không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn có thể thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả, mở ra hướng đi mới giúp nâng cao đời sống cho người dân tại huyện miền núi tỉnh Phú Yên.
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, diện tích trồng cây mắc ca toàn tỉnh gần 100 ha, tập trung chủ yếu ở 2 huyện miền núi Sơn Hòa và Sông Hinh.
Trong đó, toàn huyện Sông Hinh hiện có 68,6ha mắc ca, tập trung ở 2 xã Ea Ly và Ea Bar; trong đó khoảng 46ha đang vào độ tuổi thu hoạch.
Tại huyện miền núi Sơn Hòa, hiện có gần 13ha mắc ca, được người dân tự trồng chuyên canh hoặc xen kẽ với các loại cây trồng khác; tập trung ở các xã Sơn Long, Sơn Hội, Sơn Xuân và Sơn Định. Trong đó, một số diện tích bắt đầu cho thu hoạch.
Tháng 11/2021, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam hỗ trợ 3 hộ và Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân trồng thực nghiệm 1.680 cây giống trên diện tích 6ha mắc ca tại các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa và Sông Hinh.
Giai đoạn 2021-2030, dự kiến toàn tỉnh sẽ trồng khoảng 223 ha mắc ca; trong đó có trồng thuần loài tập trung và trồng xen với các loại cây nông nghiệp, cây dược liệu khác.
Đến năm 2045, diện tích trồng cây mắc ca có thể mở rộng khoảng 500-1.000 ha tại những khu vực có điều kiện phù hợp để phát triển, tiến tới xây dựng cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm ngay tại địa phương nhằm giảm công vận chuyển, thời gian bảo quản sản phẩm khi thu hoạch.
Theo GS Nguyễn Lân Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, qua khảo sát của hiệp hội, các huyện phía tây của Phú Yên như Sông Hinh, Sơn Hòa có điều kiện thổ nhưỡng khí hậu thuận lợi để phát triển cây mắc ca.
Cây trồng này có khả năng chịu được sương muối, chịu hạn và ít sâu bệnh. Cây mắc ca có thể phát triển theo nhiều hình thức trồng thuần loài hoặc xen canh. Sau 5 năm, mắc ca cho thu hoạch, năng suất quả tươi khoảng 8 tấn/ha/năm; giá trị thu nhập từ 100-150 triệu đồng/ha/năm.
Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cam kết đồng hành, hỗ trợ tỉnh về kỹ thuật, cung cấp nguồn cây giống có chất lượng, cũng như giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt để phát triển cây mắc ca.
Ngoài ra, Hiệp hội Mắc ca cũng sẽ bao tiêu đầu ra cho sản phẩm mắc ca của nông dân 10 năm kể từ thời điểm nông dân sử dụng giống từ hiệp hội.
Ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên chia sẻ: Mắc ca là cây trồng phù hợp với vùng đồi núi Phú Yên, có tiềm năng và giá trị kinh tế cao. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức đào tạo, tập huấn và chuyển giao khoa học, kỹ thuật phát triển cây mắc ca cho người dân, doanh nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; xây dựng các mô hình trồng thí điểm cây mắc ca với quy mô phù hợp, đánh giá hiệu quả trước khi nhân rộng.
Khuyến khích các thành phần tham gia liên kết sản xuất, tích tụ đất đai để hình thành vùng trồng thâm canh cây mắc ca tập trung; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư, phát triển mắc ca theo chuỗi giá trị, chế biến sâu, gắn với thị trường tiêu thụ.