Sau gần 4 tháng tạm hoãn phiên tòa, dự kiến ngày 13/2, TAND Cấp cao tại TP.HCM sẽ mở lại phiên xét xử phúc thẩm vụ án sản xuất, buôn bán xăng giả do bị cáo Trịnh Sướng cầm đầu.
Phiên phúc thẩm được mở theo kháng nghị của VKSND tỉnh Đắk Nông, đề nghị tăng án đối với 3 bị cáo, kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Trịnh Sướng và đồng phạm, kháng cáo kêu oan của bị cáo Nguyễn Thị Thu Hòa (42 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều).
Cùng với bị cáo Hòa, mới đây, bị cáo Lưu Phạm Quốc Anh (36 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP.HCM) cũng có đơn kháng cáo kêu oan, đề nghị cấp phúc thẩm hủy một phần bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.
Theo cáo buộc, bị cáo Quốc Anh là đồng phạm giúp sức cho bị cáo Nguyễn Ngọc Quan (người đại diện theo pháp luật Công ty Tâm Quan).
Đơn kháng cáo của bị cáo Quốc Anh nêu, do bị cáo Nguyễn Ngọc Quan (53 tuổi, ngụ Cát Lái, TP Thủ Đức, TP.HCM) nhận tội thay cho ông Lê Minh Tâm (ngụ thị trấn Nhà Bè) và ông Nguyễn Hoàng Phúc (Giám đốc Chi nhánh Công ty Tâm Quan tại Vĩnh Long) nên bị cáo Quan không điều hành hoạt động của Công ty Tâm Quan, không biết gì về việc ông Tâm sản xuất xăng giả. Khi vụ án bị phát giác, bị cáo Quan bị bắt nên đã “vu vạ” cho nhiều người trong đó có bị cáo.
“Trong vụ án, tôi chỉ là người được thuê thực hiện dịch vụ kế toán và báo cáo thuế, làm việc theo yêu cầu của khách hàng; hoàn toàn không biết đến hoạt động sản xuất, buôn bán xăng giả của những người mà tôi cung cấp dịch vụ. Thế nhưng, cơ quan tố tụng lại quy kết là đồng phạm giúp sức tích cực cho bị cáo Nguyễn Ngọc Quan...”, bị cáo Quốc Anh trình bày trong đơn
Bị cáo này còn tố cáo bị cáo Lê Châu Phước Hưng bị tâm thần nhưng vẫn bị truy tố. Ngày xét xử sơ thẩm, bị cáo Hưng vắng mặt, không có luật sư đại diện và sau đó bị tuyên phạt 3 năm tù, cho hưởng án treo. Trong khi đó, bị cáo Hưng thuộc trường hợp bắt buộc phải có luật sư bào chữa theo quy định tại điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Trước đó, giữa tháng 10/2022, sau nửa ngày xét xử, bị cáo Nguyễn Ngọc Quan bất ngờ nộp đơn tường trình và tố cáo về việc mình nhận tội thay cho ông Tâm và ông Phúc nên phiên tòa đã phải tạm hoãn để triệu tập 2 người này.
Theo bản án sơ thẩm, quá trình kinh doanh xăng dầu, Trịnh Sướng biết được cách sản xuất xăng giả từ pha trộn các dung môi Naphtha, Solmix, Orgasol, BMSol White, BMSol Petro với xăng thật E5, A92, A95 cùng hóa chất xăng RON Toluene, MTBE, Xylene, Ethanol với tỷ lệ nhất định.
Dù không đủ điều kiện pha chế, sản xuất xăng dầu nhưng bị cáo Trịnh Sướng đã mua dung môi, hóa chất để pha trộn với hỗn hợp màu và xăng nền để làm màu giống xăng thật E5, A92, A95.
Với cách làm này, việc bán xăng (giả) ra thị trường sẽ kiếm được lợi nhuận cao hơn so với việc bán xăng chính hãng. Theo điều tra, Trịnh Sướng đã pha chế được 192 triệu lít, bán ra thị trường 188 triệu lít, thu lợi bất chính hơn 151 tỷ đồng.
Nhóm ông Đinh Chí Dũng (sản xuất, buôn bán xăng giả ở TP.HCM, Hậu Giang) pha trộn và bán ra thị trường hơn 4 triệu lít xăng giả, thu lợi bất chính 2,4 tỷ đồng. Nhóm ông Nguyễn Ngọc Quan (sản xuất, buôn bán xăng giả ở TP.HCM) pha trộn hơn 11 triệu lít xăng giả, thu lợi bất chính hơn 3,5 tỷ đồng…
Liên quan đến vụ án trên, cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, tách ra vụ án khác đối với một số người về tội trốn thuế; mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ nộp ngân sách Nhà nước.