Thị trấn Phước Long phấn đấu hết năm 2024 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,75% (tương đương 39 hộ) và tỷ lệ hộ cận nghèo xuống còn 0,86% (tương đương 45 hộ).
Năm 2024, thị trấn Phước Long được huyện Phước Long (Bạc Liêu) giao đến cuối năm có 72 hộ thoát nghèo và 50 hộ thoát cận nghèo. Với địa phương này, để đảm bảo các chính sách hỗ trợ đến đúng địa chỉ, phù hợp, khả thi, trước hết, thông tin, tình hình của từng hộ nghèo phải được năm bắt rõ ràng, chặt chẽ. Ban Chỉ đạo giảm nghèo thị trấn chỉ đạo các hội, đoàn thể, các ấp rà soát nhu cầu về vốn, mô hình sản xuất của từng hộ.
Ở Bạc Liêu, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đa chiều từ tỉnh đến cơ sở đều thống nhất phương châm "giảm tới đâu, chắc tới đó", đồng thời, thực hiện việc phân công phụ trách đỡ đầu cụ thể.
Tại thị trấn Phước Long, các ngành, các chi bộ và cán bộ, đảng viên được giao phối hợp với các ban, ngành huyện phụ trách đỡ đầu 72 hộ nghèo. Nhờ cách tiếp cận sát sườn, đúng và trúng này, các hộ đã được tiếp cận vốn hỗ trợ vốn sản xuất - kinh doanh với số tiền 5 triệu đồng/hộ để các hộ đầu tư phát triển sản xuất.
Gia đình ông Bùi Thanh Tùng (ấp Phước Hòa Tiền, thị trấn Phước Long) năm nay được hỗ trợ trên 23 triệu đồng từ Dự án 2 Đa dạng hoá sinh kế thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Từ nguồn hỗ trợ, ông đầu tư xây dựng nhà, làm giàn và nhập 2.000 phôi nấm bào ngư xám về trồng.
Sau hơn 1 tháng, sinh kế có thể thu hoạch, cứ cách 15 ngày sẽ cho thu hoạch đợt tiếp theo, bình quân mỗi đợt ông Tùng thu hoạch từ 160 - 200kg nấm, với giá bán từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, chỉ sau 2 - 3 đợt thu hoạch là có thể thu hồi vốn.
Việc hỗ trợ này với ông Tùng là đúng và trúng nhu cầu, điều kiện của gia đình. Theo ông, trồng và chăm sóc nấm bào ngư khá dễ và thu hoạch được nhiều đợt. Nguồn vốn xoay vòng khá nhanh, gia đình có thể tái đầu tư sản xuất liên tục, thu nhập vì thế khấm khá, ổn định hơn trước.
Hỗ trợ vốn, tạo sinh kế là chưa đủ, từ nhiều năm nay thị trấn Phước Long chú trọng việc đào tạo nghề nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt), phi nông nghiệp (nghề may...) cho bà con hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và lao động nông thôn nói chung. Chỉ tính từ đầu năm 2024 đến nay, thị trấn đã đào tạo và truyền nghề cho hơn 1.600 người; đưa 7 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài...
Trên toàn huyện Phước Long, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn cũng được xem là giải pháp hữu hiệu đưa chính sách giảm nghèo đi vào thực chất cuộc sống.
Từ đầu năm đến nay, để có cơ sở lên kế hoạch đào tạo nghề theo Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp với các xã, thị trấn rà soát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn. Bên cạnh đó, huyện tăng cường dự báo nhu cầu thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động trên thị trường; Triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động; tổ chức ngày hội việc làm, giao dịch việc làm và tổ chức sàn giao dịch việc làm, phiên giao dịch việc làm tại các xã, thị trấn với tần suất tăng và hình thức tổ chức đa dạng, phong phú.
Tổng hợp chung, từ đầu năm đến nay, huyện Phước Long đã tổ chức đào tạo nghề và truyền nghề cho 5.300 lao động. Trong đó, 28 lớp đào tạo nghề sơ cấp, dưới 3 tháng cho lao động nông thôn thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được tổ chức với 560 học viên tham gia, riêng tại thị trấn Phước Long tổ chức được 3 lớp nghề phi nông nghiệp.
Ngoài ra, Phòng LĐ-TB&XH huyện còn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các công ty được Sở LĐ-TB&XH giới thiệu phụ trách địa bàn huyện Phước Long để tư vấn, giới thiệu lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng đã tổ chức tư vấn tại các xã, thị trấn được 8 cuộc với trên 680 lượt người tham dự; Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức phiên giao dịch việc làm tại huyện và tổ chức tư vấn cụm ở các xã, thị trấn để giải quyết thêm nhiều việc làm mới.
Với những giải pháp tích cực trên, đến nay huyện đã giải quyết việc làm cho 6.000 lao động, tiệm cận chỉ tiêu đề ra. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay đã đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài được 60/50 lao động, đạt tỷ lệ 120%. Ngoài ra, có thêm 18 lao động đã trúng tuyển, chờ xuất cảnh. Tới đây, huyện tiếp tục tổ chức tư vấn cho lao động đi các thị trường có thu nhập cao theo các đơn hàng của trung tâm, công ty để có thu nhập ổn định. Trước mắt, tập trung vào thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Úc.
Trên toàn tỉnh Bạc Liêu, năm 2024, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 1%; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, đa dạng hóa ngành nghề phù hợp với trình độ lao động nghèo; giải quyết việc làm trong và ngoài tỉnh 18.500 lao động, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 500 lao động…