GIa đình chị Nguyễn Thị Diễm, ở ấp Bình Lễ, xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, không có đất sản xuất, thu nhập bấp bênh. Cuộc sống nghèo khó cứ mãi đeo bám hộ gia đình này.

Rồi chị được UBND xã Vĩnh Phú Tây tạo điều kiện cho tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà, đồng thời hỗ trợ con giống và thức ăn. Được đào tạo, nắm chắc kiến thức, kỹ thuật, chị Diễm tự tin chăn nuôi, đàn gà phát triển nhanh, tỷ lệ hao hụt rất ít. 

Thu nhập từ đàn gà, cộng thêm sự nỗ lực may vá của gia đình, năm 2024, gia đình chị lần đầu tiên đã thoát nghèo. Để củng cố thành quả và ghi nhận sự phấn đấu của chị, mới đây, địa phương tiếp tục hỗ trợ gia đình chị 8 con lợn giống từ Dự án 2 Đa dạng hóa sinh kế thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.

Niềm vui nối tiếp niềm vui, vợ chồng chị Diễm càng cố gắng lao động chăn nuôi, vợ may vá, chồng chở hàng thuê, thu nhập hàng tháng ổn định hơn, có thể chăm sóc con ăn học đầy đủ. Chị tin gia đình sẽ thoát nghèo bền vững.

Tại huyện Phước Long, với việc khơi dậy ý chí vươn lên của hộ nghèo và có nhiều giải pháp thiết thực để thực hiện giảm nghèo bền vững, trong đó có việc triển khai hiệu quả các mô hình sinh kế, hiện huyện Phước Long chỉ còn 1.152 hộ nghèo đa chiều, chiếm tỷ lệ 3,75%. 

Toàn tỉnh Bạc Liêu đã triển khai hỗ trợ được 92 mô hình, dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo cho trên 800 hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo với số kinh phí gần 15 tỷ đồng. Ngoài ra, để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế gia đình, tỉnh cũng đã triển khai được 35 dự án sản xuất với tổng kinh phí thực hiện trên 5,7 tỷ đồng.

W-A12 cty lam ng song ma_2135.jpg
Sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng là cách giúp người nghèo được tiếp cận các “điều kiện cần” để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Việc triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại Bạc Liêu đạt nhiều kết quả tích cực. Sự hỗ trợ này được xem là cách giúp người nghèo được tiếp cận các “điều kiện cần” để phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Một trong những trợ lực tiếp sức hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo để tối ưu hoá giá trị của các dự án Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tại Bạc Liêu, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân hơn 1.000 tỷ đồng trong 2 năm qua cho trên 33.000 lượt hộ vay vốn để đầu tư mua bán nhỏ, chăn nuôi, làm rẫy… Chương trình tập trung hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, có việc làm, sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống.

Xác định để hoàn thành được giảm nghèo bền vững, đa chiều, Bạc Liêu chú trọng tăng cường đẩy mạnh phát triển kinh tế theo thế mạnh của mỗi địa phương, ưu tiên phát triển các mô hình tại chỗ nhằm tạo việc làm cho người nghèo, hộ nghèo. Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức khuyến khích tinh thần vươn lên từ nội lực của người dân để không có tâm lý trông chờ, ỷ lại. Địa phương động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, đến đầu năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của Bạc Liêu giảm còn 1,7%. Tỉnh phấn đấu giảm còn 1% vào cuối năm 2024.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu, một trong những giải pháp mang lại hiệu quả cao trong công tác giảm nghèo bền vững của địa phương thời gian qua là phân công các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên giúp đỡ hộ nghèo.

Đơn cử năm 2024, UBND tỉnh đã phân công giúp đỡ 2.273 hộ nghèo; trong đó, các sở, ngành cấp tỉnh và doanh nghiệp nhận đỡ đầu 227 hộ nghèo, còn lại là các huyện, thị xã, thành phố. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị nhận giúp đỡ hộ nghèo đã phân công cán bộ khảo sát thực tế hoàn cảnh, các mức thiếu hụt của từng gia đình để có hướng hỗ trợ cụ thể, thiết thực.

Bạc Liêu đề ra mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh giảm còn dưới 1%. Khu vực nông thôn có tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 2%; khu vực thành thị (gồm các phường, thị trấn) giảm còn dưới 1% hộ nghèo (trừ hộ nghèo có đối tượng bảo trợ xã hội). Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm 1%; không có hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng.

Năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Vì vậy, để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao, bền vững, tỉnh tiếp tục xây dựng, thực hiện những chính sách hỗ trợ theo hướng bảo đảm an sinh tối thiểu và nâng dần các mức trợ giúp xã hội đang được thực hiện một cách có hiệu quả.