- Đọc bài viết: “Nhất định thầy sẽ vào rẫy lấy em về!” trên VietNamNet ngày 7/3, tôi thật xúc động. Câu chuyện đẹp nhưng đượm nét buồn.

Nắng gió của núi rừng trông thầy trò khắc khổ, vẻ chịu đựng. Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (xã Ia HDreh, huyện Krông Pa, Gia Lai) nơi thầy Ninh Văn Dậu và đồng nghiệp bám trụ để mang “con chữ” đến đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Ở đấy, để học sinh đến trường đầy đủ là bao cố gắng của người thầy. Họ không nghĩ nhiều đến bản thân, gia đình; không quản nhọc nhằn; không giận hờn hay nản lòng..., “Nhất định thầy sẽ vào rẫy lấy em về!”. Chút cay cay ở mắt, chút mằn mặn ở môi. Phút lắng lòng cho tôi, cho đồng nghiệp, cho thầy Dậu ... nghiệp “gõ đầu trẻ”.

{keywords}
Thầy Dậu, thầy hiệu trưởng và cậu học sinh

Nghĩ về mình với hơn 33 năm dạy học, lúc vô tình ... có bao nhiêu học sinh vì nóng vội (của thầy) phải bỏ học? Sớm bước vào đời khi kiến thức và kỹ năng chưa đầy đủ - chắc hẳn các em gặp nhiều trắc trở. Trong số ấy, em nào thành công? Em nào không gượng dậy được để đi tiếp? Còn thầy - vẫn đủ đầy, hãnh tiến với công việc, vẫn ngập tràn hoa, những lời chúc mừng ngọt ngào – trọng vọng ... Ngày Nhà giáo!

Nơi xa tít của rừng núi Tây Nguyên, thầy Dậu chắc chỉ có hoa dại, những lời chúc mừng “lơ lớ” ... nhưng thầy - tấm lòng luôn rộng mở với học sinh thân yêu.

Nghĩ về mình, về đồng nghiệp, về những học sinh của hôm qua, hôm nay. Phải làm gì để các em đến trường đầy đủ? Để những lúc khó khăn các em không bỏ học? Để những lúc chênh vênh trong cuộc sống riêng các em lại được vỗ về trong vòng tay của thầy cô?

Kiến thức bao la, thầy cô khó mà trang trải hết được. Trên muôn nẻo đường đời phía sau cổng trường, chắc rằng các em còn học, học những khi cần, học để tiếp tục phát triển.... 

Còn bây giờ, thầy cô hãy trao yêu thương cho các em trong mỗi giờ lên lớp, trong những lúc suy tư trên bài làm còn vụng về của học sinh. 

Trong mỗi dòng trên giáo án, mỗi lời nói – việc làm trên bục giảng không chỉ dừng lại ở kiến thức xơ cứng. Những công thức, định lý, khái niệm ... được truyền đi bằng trái tim người thầy. Hãy cười tha thứ khi các em ngỗ nghịch; vỗ về khi các em phiền muộn; tận tâm chỉ bảo khi các em đứt gãy kiến thức. 

Phút lắng lòng ....

Người thầy không tính toán thiệt hơn, không dùng kiến thức để mua bán, không dùng điểm số để trù dập, không đay nghiến học sinh. Học sinh khôn lớn – đó là hạnh phúc của nhà giáo, không vật chất nào có thể đánh đổi. Còn điều nào vui hơn khi: “Thầy vào rẫy lấy em về: Cậu học trò Gia Rai đã trở lại lớp”(Vietnamnet, 08-3). Thật ấm lòng ....

Đâu đó trong học đường vẫn còn xảy ra chuyện dạy thêm, học thêm; bạo lực học đường; sự thiếu trung thực của một số ít thầy cô .... Nỗi đau đáu của những ai đã, đang đứng trên bục giảng.

Câu chuyện của thầy Ninh Văn Dậu như khẳng định: Còn đấy nhiều thầy cô với tấm lòng cao cả, tất cả chỉ để học sinh được vui, được an toàn lúc đến trường, không bỏ học vì khó khăn.

Chúng ta hãy chung tay giúp học sinh vùng sâu, vùng cao, vùng khó khăn vui bước đến trường.

  • Thầy giáo Nguyễn Hoàng Chương