Nhận định nêu trên được PGS. TS Vũ Văn San, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chia sẻ tại lễ khai giảng năm học mới 2019 – 2020.
Theo báo cáo của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, nhìn chung năm 2019, do nhu cầu bão hòa của thị trường nên Học viện vẫn tập trung chủ yếu đào tạo Đại học chính quy, đồng thời triển khai các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, đào tạo chất lượng cao, đào tạo liên kết quốc tế, đào tạo từ xa, đào tạo cao đẳng giáo dục nghề nghiệp để đa dạng hóa nguồn thu từ đào tạo và giảm tỷ trọng đào tạo đại học chính quy.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm sẽ được Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tập trung trong các tháng cuối năm 2019 là hoàn thiện ban hành Chiến lược phát triển Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông giai đoạn 2020-2025 tầm nhìn 2030 (Ảnh minh họa: PTIT) |
Trong chia sẻ tại lẽ khai giảng, lãnh đạo Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nhấn mạnh, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa các trường đại học, nâng cao chất lượng đào tạo luôn được Học viện đặt lên hàng đầu. Bên cạnh việc liên tục đổi mới, cập nhật kiến thức thực tiễn cho giáo trình, bài giảng, Học viện hiện nay chú trọng đưa hàm lượng kỹ thuật và ứng dụng công nghệ vào nội dung giảng dạy có tính chuyên sâu mang tính đặc thù của ngành ICT không chỉ cho các ngành đào tạo kỹ thuật như các kiến thức về AI, IoT, an toàn thông tin, Blockchain, dữ liệu lớn... mà còn cho cả ngành kinh tế, xã hội mà Học viện đang đào tạo như thương mại điện tử, kế toán số, marketting số, truyền thông đa phương tiện, thiết kế đồ họa...
Học viện xác định đưa vào dạy các chuyên ngành mới, mở ngành mới chính là giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo rõ ràng nhất. Vừa qua, Học viện đã hoàn thành xây dựng các đề án mở 2 ngành là ngành kỹ thuật IoT và ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa (thiên hướng về Robotics) để đáp ứng nhu cầu xã hội. Thời gian tới, Học viện sẽ gấp rút đưa vào giảng dạy chuyên ngành và xây dựng đề án mở ngành Khoa học dữ liệu (Bigdata) và Fintech. Với hướng đào tạo linh hoạt như vậy, sinh viên và người học tại Học viện có cơ hội lựa chọn, nắm bắt kịp thời ngành học và chuyên môn về ICT cần thiết cho hành trang lập nghiệp và đòi hỏi trong công việc của mình.
Với sự khẳng định được chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ICT trong những năm qua, Học viện đã được nhiều doanh nghiệp tin tưởng đặt hàng đào tạo, trao học bổng cho sinh viên của Học viện, như Tập đoàn Samsung tiếp tục tài trợ học bổng Sinh viên Tài năng Samsung và Phòng Lab cho hoạt động nghiên cứu, đào tạo của Học viện; nhiều doanh nghiệp trao đổi với Học viện để trao học bổng, khuyến khích học tập và hỗ trợ, tạo điều kiện việc làm khi ra trường...
Bên cạnh công tác đào tạo, hoạt động nghiên cứu khoa học của thầy và trò Học viện cũng có nhiều khởi sắc; Nhiều đề tài cấp nhà nước và Quỹ Nafosted, như có tới 12 đề tài cấp nhà nước và hàng trăm đề đề tài cấp Bộ, cấp Học viện đang được các thầy cô và sinh viên triển khai. Một số doanh nghiệp lớn như Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) thuộc Tập đoàn Vingroup đã ký kết tài trợ 7,6 tỷ đồng cho dự án Nghiên cứu Khoa học; nhiều dự án khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của sinh viên dưới sự hướng dẫn của các giảng viên đã đạt giải thưởng cao tại các cuộc thi AIoT Developer InnoWorks 2019, Vietnam National AI Hackathon ... Và gần đây nhất, 2 trong 3 giải pháp đề cử của Học viện đã lọt vào vòng chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia học sinh sinh viên 2019.
Cùng với đó, Học viện tiếp tục duy trì, triển khai các hoạt động hợp tác với hàng chục đối tác, trường đại học quốc tế khác mà Học viện đã ký MoU và có các thỏa thuận hợp tác trước đó, điển hình như: Viện NICT (Nhật Bản), Viện KAIST (Hàn Quốc), Viện Công nghệ Shibaura (Nhật Bản), Đại học nghiên cứu quốc tế Busan (Hàn Quốc), Đại học Aizu (Nhật Bản), Đại học PolyTech Lille (Pháp), Tổ chức Almalaurea (Ý), đại học Padova (Ý), Tổ chức REI (Mỹ), Công ty Samsung (Hàn Quốc), Công ty Motorola (Mỹ)…
“Ngay từ bây giờ, Học viện đẩy mạnh tăng cường hợp tác với các tập đoàn công nghiệp, các doanh nghiệp trong và ngoài nước như Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel, Duy trì hợp tác truyền thống với tập đoàn VNPT, VinGroup... để trao đổi giảng viên và sinh viên trong việc giảng dạy và thực hành thực tiễn”, đại diện lãnh đạo Học viện chia sẻ.
Mặc dù vậy, trong báo cáo đánh giá công tác các tháng đầu năm nay, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cũng cho biết, một trong những tồn tại, hạn chế là cơ chế quản lý hướng tới đẩy mạnh tự chủ trong nội tại Học viện còn chưa hoàn thiện, việc ứng dụng các mô hình quản lý hiện đại, nguồn thu chưa đa dạng, phụ thuộc chủ yếu vào đào tạo chính quy.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch nguồn nhân lực, đánh giá hiệu quả lao động trong Học viện còn chưa tốt. Cơ cấu lao động của Học viện cần tiếp tục điều chỉnh, tỷ lệ lao động gián tiếp còn cao, chế độ đãi ngộ chưa thực sự hấp dẫn, năng suất lao động chưa cao và chưa đồng đều giữa các đơn vị trong Học viện.
Trong kế hoạch công tác năm 2019, liên quan đến công tác tổ chức bộ máy, Học viện đã xác định rõ một số nhiệm vụ trọng tâm được tập trung thực hiện trong những tháng cuối năm, đó là: hoàn thành công tác thành lập Hội đồng Học viện; hoàn thiện ban hành Chiến lược phát triển Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông giai đoạn 2020-2025 tầm nhìn 2030; đề xuất kiện toàn mô hình tổ chức của Học viện cho phù hợp với điều kiện mới tập trung vào việc kiện toàn mô hình tổ chức và hoạt động theo hình thức tự chủ của các Viện Nghiên cứu, Trung tâm Dịch vụ và Trung tâm Đào tạo Quốc tế; xem xét khả năng phân quyền tự chủ cho Khoa đào tạo Sau Đại học.
Đồng thời, xây dựng chính sách, cơ chế để thu hút tuyển dụng giảng viên có chuyên môn, thâm niên và kinh nghiệm; xây dựng hệ thống kỹ năng quản trị cần thiết để vận hành trường Đại học theo mô hình tự chủ vận dụng cơ chế tài chính Doanh nghiệp và Tổ chức triển khai đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị cho các cấp Lãnh đạo của Học viện; lập phương án xây dựng Doanh nghiệp Khoa học công nghệ và Đào tạo trong Học viện.