Khi Brendan “PlayerUnknown” Greene có mặt tại sự kiện PUBG Global Invitational (PGI) 2018 được tổ chức tại Berlin, Đức vào cuối tháng 7 năm ngoái, trỉa nghiệm mà ông có được là quá tuyệt vời.
Toàn cảnh PGI 2018 nằm bên trong Mercedes-Benz Arena Berlin - địa điểm tổ chức sự kiện nổi tiếng với sức chứa 17,000 người
PlayerUnknown’s Battlegrounds là tựa game battle royale “đình đám” thế giới do ông tạo ra và nhận được nhiều sự quan tâm chú ý từ các tổ chức esports hàng đầu cũng như đông đảo người xem livestream tại nhà. Nó là một thứ gì đó mà PlayerUnknown đã từng ao ước khi PUBG chỉ đang trong giai đoạn “thai nghén” – nhưng không ai tin được rằng nó lại trở thành hiện thực.
“Tôi gần như rơi nước mắt khi chứng kiến tựa game của mình ở đó (sân khấu PGI)”, PlayerUnknown nói với The Verge. “Tôi muốn nó trở thành một bộ môn esports bên trong một sân vận động với hàng triệu người xem toàn cầu. Nó thật điên rồ. Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình lại có mặt tại đây.”
Khi PUBG đã bước sang năm tuổi thứ hai đồng nghĩa với môi trường cạnh tranh chuyên nghiệp cũng trưởng thành hơn qua năm tháng. Năm ngoái là quãng thời gian quan trọng với PUBG khi ngoài PGI, nhiều giải đấu chuyên nghiệp khác cũng đã diễn ra ở tất cả những khu vực.
Và theo PlayerUnknown, người mới chuyển sang làm việc cho một studio non trẻ nhưng vẫn là cố vấn chiến lược của PUBG, môi trường cạnh tranh chuyên nghiệp là một phần không thể thiếu trong kế hoạch lâu dàu của tựa game.
PlayerUnknown (ngoài cùng bên phải) có mặt trên sân khấu PGI 2018 để trao giải thưởng cho Oh My God (Trung Quốc), team giành chức vô địch thể thức FPP
“Chúng tôi không suy nghĩ trong nhiều tháng hay nhiều năm, chúng tôi đang nghĩ về năm, 10 năm tới”, PlayerUnknown chia sẻ với The Verge. “Đặc biệt với esports. Esports phải mất nhiều năm để có được chỗ đứng chính xác, để sở hữu nhiều cơ chế vầ hệ thống khác nhau tạo đà phát triển.”
Điều “cha đẻ” của PUBG nói ra không có quá nhiều sự khác biệt với những tựa game online nổi tiếng khác – như League of Legends (LMHT) hay Overwatch – khi đều có những hệ thống giải đấu trải dài từ nghiệp dư lên chuyên nghiệp như một cách để kéo dài tuổi thọ.
Trong mảng game battle royale, Epic Games đang là một ví dụ sáng giá nhất với quyết tâm biến Fortnite trở thành một bộ môn esports hàng đầu với khoản đầu tư 100 triệu USD – với 30 triệu USD dành cho Vòng Chung kết World Cup diễn ra tại New York, Mỹ vào mùa hè này.
Cùng với các thỏa thuận sinh lời cho các bên liên quan, những nhà thi đấu chật cứng khán giả cùng một lượng người xem livestream khổng lồ trên Twitch và các nền tảng khác,…rõ ràng các nhà đầu tư có lý do để “rót tiền” vào mảng esports.
Nhưng theo PlayerUnknown, dội ngũ phát triển PUBG chỉ mới bắt đầu nghiêm túc nhìn nhận hướng đi esports bởi vì đây là thứ mà cộng đồng đang rất quan tâm.
“Nếu một tựa game trở thành một bộ môn esports thành công thì người chơi muốn điều đó, cộng đồng cũng muốn nó xảy ra”, PlayerUnknown giải thích. “Tôi không nghĩ bạn có thể tạo ra một bộ môn esports. Bạn không thể làm (với lối suy nghĩ), ‘Ổn rồi, đây là một bộ môn esports.’ Bạn phải tạo ra một tựa game hay, một trò chơi đầy tính cạnh tranh và nếu cộng đồng muốn vậy, tôi nghĩ bộ môn esports có thể được xây dựng trên phần cốt lõi đó. Tôi nghĩ với battle royale và PUBG, chúng ta đang có nó.”
Tuy nhiên, battle royale vẫn có những vấn đề tồn đọng từ lâu.
Trong phần lớn các tựa game cạnh tranh, dù đó có là Counter-Strike: Global Offensive hay Dota 2, đều là cuộc chơi giữa hai teams. Nhưng trong PUBG hoặc Fortnite, bạn có thể mở rộng tới 100 cá nhân cùng nhau tranh tài.
Có quá nhiều thứ để tập trung vào nhằm tăng tính trải nghiệm của người xem, điều mà đội ngũ phát triển PUBG đang cố gắng cải tiến từng ngày với những góc lia camera, UI mới lạ…
Với thành phần tham dự đông đảo như vậy nó cũng vô tình khiến cho các sự kiện trực tiếp trở nên khó tổ chức hơn – yêu cầu hàng tá máy tính thực hiện kỹ thuật hậu cần và quá nhiều game thủ cùng xuất hiện trên sàn đấu.
“Đó là một thách thức trong việc tổ chức nhằm thích ứng với quy mô sự kiện”, PlayerUnknown nói thêm rằng đội ngũ esports của PUBG đang soạn thảo một “bản quy tắc” có chứa nhiều yêu cầu trong quá trình tổ chức giải đấu. “Chúng tôi hy vọng sẽ thiết lập những quy trình này để giúp các bên thứ ba dễ dàng hơn trong khâu điều hành các sự kiện.”
Ngoài các vấn đề về quy mô sự kiện, PlayerUnknown cho rằng PUBG đang có lợi thế hơn so với nhiều bộ môn esports khác ở thời điểm hiện tại. Mấu chốt nằm ở việc tựa game dễ dàng tiếp cận với người chơi và làm cho người xem hiểu được những gì đang diễn ra trên màn hình hiển thị.
Khi mà các bộ môn esports đang tìm cách tiếp cận thêm những đối tượng khán giả chính thống hơn, mức độ đơn giản của dòng game battle royale có thể sẽ giúp cho PUBG thu hút một lượng fan hâm mộ mới.
“Tôi nghĩ rằng nó (PUBG) có thể là một môn thể thao, không chỉ là một bộ môn esports”, PlayerUnknown khẳng định. “Tôi nghĩ PUBG có đủ độ tin cậy với fan hâm mộ ngoài những khán giả có chơi game. Vấn đề của rất nhiều môn esports khác là người xem không phải là game thủ và thật khó để họ hiểu được điều gì đang diễn ra. Ngay cả tôi với tư cách là một game thủ, tôi cũng thấy khó khăn khi xem một vài môn esports bởi tôi không nắm bắt được những gì đang xảy ra; nó quá nhanh, hoặc quá nhiều (thứ xuất hiện) trên màn hình. PUBG không như vậy. Nó đơn giản, nó tương thích; bạn có một khẩu súng, bạn có một quả lựu đạn. Đó chính là những thứ đơn giản mà người xem hiểu được.”
“Và tôi thực sự nghĩ rằng nó sẽ giúp chúng tôi có bước nhảy vọt để trở thành một môn esports thiên về thương mại hơn thay vì một mảng chuyên biệt nào đó”, PlayerUnknown kết lại.
2016 (Theo The Verge)