Theo đại diện PV Power, bảo vệ môi trường tự nhiên là vấn đề trăn trở của toàn cầu, đặc biệt là với doanh nghiệp sản xuất năng lượng như PV Power. Kể từ khi thành lập đến nay, PV Power và các đơn vị thành viên thường xuyên có các hoạt động thực hiện tốt việc quản lý/xử lý tốt chất thải/chất thải độc hại, hưởng ứng các hoạt động thường niên về công tác bảo vệ môi trường, làm sạch bãi biển, trồng cây xanh, khơi thông cống rãnh vào các Ngày Môi trường thế giới, Ngày Nước thế giới, Chiến dịch Giờ Trái đất,… qua các năm.
Bên cạnh đó, PV Power thường xuyên tổ chức các phong trào thi đua, hướng đến các giải pháp, sáng kiến nhằm hướng tới mục tiêu giảm phát thải tại các nhà máy. Theo kế hoạch đã đăng ký với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và được ban hành theo kế hoạch chung của tập đoàn về việc “Ban hành kế hoạch hành động giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu của Tập đoàn Dầu khí, giai đoạn 2018 - 2030”, PV Power có 13 giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thực hiện tại các nhà máy điện. Theo tính toán của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, dự kiến sẽ giảm thiểu được 160.884 tấn CO2e trong giai đoạn 2018 - 2025 và 72.150 tấn CO2e trong giai đoạn 2026 - 2030. Các giải pháp đăng ký đa phần thuộc giải pháp tiết kiệm, giảm thiểu năng lượng sử dụng trong sản xuất và sử dụng năng lượng mặt trời.
Đại diện PV Power cho hay, công trình thủy điện Đakđrinh của PV Power là dự án được công nhận trên website Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) với tên “Dakdrinh Hydropower Project” (6184 ngày 14/11/2011) là dự án phát thải theo cơ chế sạch (CDM).
Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất của PV Power có khai thác sử dụng nguồn nước đều đã ký hợp đồng với Quỹ môi trường rừng của địa phương để đóng phí dịch vụ môi trường rừng tương ứng với phần nước khai thác. Các nhà máy thủy điện luôn tuân thủ quy định vận hành liên hồ, thường xuyên phối hợp với địa phương để điều tiết thủy lợi trên lưu vực sông phù hợp với kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; phối hợp với địa phương trồng rừng, tái định cư các hộ dân tại khu vực lòng hồ theo quy định.
Trong quá trình vận hành Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 và các nhà máy nhiệt điện khác của PVPower, số liệu về chất lượng nước thải và khí thải được kiểm soát nghiêm ngặt, hiển thị trên bảng thông tin công khai tại nhà máy và truyền trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh. Hiện tại, PV Power Hà Tĩnh đang thực hiện nghiên cứu lắp đặt biến tần cho các động cơ lớn để tiết kiệm năng lượng.
Trong năm 2022, PV Power và PV Power Hà Tĩnh đã nỗ lực thúc đẩy xử lý và tiêu thụ tro xỉ. Kết quả đã tiêu thụ được 559.489 tấn, cụ thể là 354.574 tấn tro bay trực tiếp tại silo và 204.915 tấn hỗn hợp tro xỉ từ bãi thải xỉ.
“Khí thải trước khi ra ống khói được xử lý đảm bảo các quy chuẩn về môi trường của Việt Nam QCVN 19:2009/BTNMT, QCVN 22:2009/BTNMT. Toàn bộ hệ thống xử lý khí thải, nước thải đã được đơn vị độc lập thực hiện việc đo đạc, lấy mẫu và phân tích, kết quả khí thải sau xử lý đều đảm bảo theo quy chuẩn quy định” - đại diện PV Power cho biết.
Đại diện doanh nghiệp khẳng định, những giải pháp, sáng kiến sáng chế của PV Power luôn đặt trọng tâm vào việc giảm thiểu tác động với tự nhiên, góp phần bảo vệ môi trường, đáp ứng mục tiêu “xanh vì môi trường” - một trong các mục tiêu trở thành doanh nghiệp hiệu quả, bền vững của PV Power.
Doãn Phong