Tôi bị đau nhói một bên đầu gần 10 ngày nay. Uống thuốc giảm đau cũng chỉ có tác dụng trong vài giờ. Cơn đau đầu kéo dài như vậy liệu có phải dấu hiệu bệnh về não hay không thưa bác sĩ? (Trần Lan, 50 tuổi, Đắk Nông).
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Viết Thắng, Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện đại học Y dược TP.HCM, tư vấn:
Để có thể chẩn đoán được chính xác nguyên nhân gây đau đầu, bệnh nhân cần được bác sĩ thăm khám, hỏi kỹ bệnh sử, tính chất cơn đau và thăm khám thần kinh toàn diện. Tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định làm các xét nghiệm cần thiết khác như chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ sọ não, khám mắt, soi đáy mắt, xét nghiệm máu, dịch não tủy.
Trong trường hợp có một trong các dấu hiệu dưới đây, bạn cần đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Các dấu hiệu bao gồm:
1. Đau đầu khởi phát lần đầu sau tuổi 50.
2. Thay đổi tính chất hoặc kiểu đau đầu so với trước.
3. Đau đầu dữ dội bất thường.
4. Đau đầu tăng khi ho hoặc khi vận động.
5. Đau đầu ngày một nặng dần.
6. Đau đầu kèm thay đổi tính cách, hành vi hoặc chức năng tầm thần.
7. Đau đầu kèm theo sốt, cứng gáy, lẫn lộn, giảm trí nhớ, giảm sự tỉnh táo hoặc có triệu chứng thần kinh như nói khó, yếu tay chân, cơn co giật, rối loạn thị lực...
8. Đau đầu kèm theo đỏ nhức mắt.
9. Đau đầu kèm theo đau và tăng nhạy cảm đau vùng thái dương.
10. Đau đầu sau khi bị va đập vào đầu.
11. Đau đầu xảy ra ở người bị ung thư hoặc suy giảm miễn dịch.