Mỗi lần có triệu chứng mệt, nhức đầu, cảm cúm tôi có thói quen lấy đồng bạc ra cạo gió hoặc bắt gió. Có lúc chỉ cạo nhẹ đồng bạc màu vàng hoặc màu đen. Tuy nhiên, có lúc tôi cạo rất lâu nổi bầm trên da nhưng không “thu” được màu gì. Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi màu của đồng bạc sau cạo gió phản ánh bệnh nặng đúng không? Cần lưu ý gì khi cao gió? (Hoàng Minh, Thái Bình)
Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, Khoa y học cổ truyền, Trường Đại học Y Dược TP.HCM, tư vấn:
Cạo gió hay đánh gió trên lâm sàng thường được dùng cho các bệnh cảm mạo, đau đầu, đau cơ. Cạo gió là phương pháp dân gian rất được ưa chuộng, nếu cạo gió đúng, cạo xong thấy người khỏe ngay.
Cạo gió đạt là cạo đến khi đỏ ửng nhẹ hoặc vết bầm li ti trên da. Bạn không nên cạo mạnh và cạo nhiều vì làm tổn thương các mạch máu không có lợi cho cơ thể, tổn thương càng nhiều càng mất thời gian và năng lượng để hồi phục.
Khi cạo gió có thể dùng dụng cụ chuyên dụng bằng gỗ, sừng đá hoặc nắp chai dầu, đồng xu… Bạn có thể kết hợp thêm tinh dầu như dầu gió giảm ma sát trên da dễ dàng, hạn chế tổn thương. Dầu gió có nhiều tinh dầu tác dụng sát khuẩn, khu phong tán hàn, mùi thơm dễ chịu. Hoặc bạn có thể dùng gừng, ngải cứu rang với muối hột bọc khăn vải.
Dùng bạc cạo gió bạn sẽ thấy đen lên vì chất thải ở tuyến mồ hôi trên da người có các axit amin chứa lưu huỳnh, các chất béo,… đặc biệt là những người bị cảm tuyến mồ hôi hoạt động mạnh tiết ra nhiều chất thải hơn. Bạc sẽ kết hợp với lưu huỳnh (S) ở các axit amin thải ra trên da tạo thành Ag2S có màu đen hoặc vàng đỏ, xanh xám là do các chất béo, chất nhờn trên da phản ứng với bạc.
Trong dân gian, người ta hay dùng đồng bạc vì giúp thu nạp các chất không có lợi vào chất bạc. Màu của đồng bạc càng đen thì tức là lưu huỳnh càng nhiều, cơ thể mệt mỏi nhiều hơn.
Khi cạo gió, bạn nên cạo ở hai bên cổ, vai, thắt lưng tỏa hai mạn sườn. Ho thì cạo học xương mỏ ác. Nhức tay, chân cạo dọc mặt ngoài cẳng tay, chân. Không cạo gió mắt, mũi, lười, môi rốn.
Bạn không nên sử dụng vật sắc nhọn, sử dụng vật có đầu tù để khi ma sát không tạo vết trầy xước trên da.
Khi cạo gió cần lưu ý:
Trước khi cạo gió cần quan sát người bệnh đó có say rượu hay không, hỏi xem có quá no quá đói hay không. Người được cạo gió cần chuẩn bị cơ thể sạch sẽ tạo điều kiện cho ma sát làm nóng da và việc tiết mồ hôi, quần áo rộng thoải mái. Chuẩn bị dụng cụ, ga giường sạch sẽ. Vị trí cạo gió kín gió, ấm áp, thoáng khí, đi vệ sinh trước khi cạo gió. Quan sát trước vùng da sẽ cạo gió.
Trong khi cạo: quan sát nét mặt, đắp khăn che phủ giữ ấm vùng không cạo gió. Sau khi cạo gió: nên uống một ly trà gừng giúp làm ấm người, lưu thông khí huyết, giữ ấm cơ thể, nằm nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh.
Chống chỉ định: Phụ nữ có thai không cạo vùng thắt lưng, vùng bụng, ngực. Không cạo gió trên vùng da không lành lặn (trầy xước, lở loét, mụn nhọt, bệnh ngoài da…), chấn thương gãy xương.
Người bệnh xuất hiện suy tim, suy thận, xơ gan báng bụng, phù toàn than, bệnh lý về đông máu, xuất huyết giảm tiểu cầu, hôn mê gan, say rượu không cạo gió.
Cần thận trọng với người có nguy cơ cao bị đột quỵ (bềnh nền mãn tính: cao huyết áp, béo phì, tiểu đường, người cao tuổi), khi thấy mệt mỏi, ngất xỉu, khó nói, yếu nửa người… cần đưa đi bệnh viện ngay, không nên mất thời gian cạo gió, có thể là dấu hiệu đột qụy.