Dinh dưỡng tốt cho sức khỏe liên quan tới “ăn gì” và “ăn bao nhiêu”. Hướng dẫn về chế độ ăn uống khuyên chúng ta nên ăn nhiều loại thực phẩm mỗi ngày và áp dụng một thứ tự nhất định khi ăn các món. 

Rau trước, thịt sau

Thứ tự thưởng thức các món có thể tác động lớn đến lượng đường trong máu sau khi ăn. Theo Aboluowang, các nghiên cứu lâm sàng ở Trung Quốc cho thấy, mọi người nên ăn rau trước rồi tới thực phẩm giàu protein và chất béo (thịt), cuối cùng là thực phẩm chứa carbohydrate. 

Cách ăn như vậy giúp chúng ta hấp thụ rau củ có chất xơ trước, làm tăng cảm giác no và ngăn hấp thụ quá nhiều đường. Nhờ đó, bạn sẽ giảm lượng calo nạp vào cơ thể, kiểm soát cân nặng, ngăn ngừa béo phì và bệnh tim mạch.

Bạn nên ăn lần lượt rau tới thịt, cơm (mì). Ảnh minh họa: Aboluowang

Theo Mirai, bữa ăn truyền thống Kaiseki của người Nhật bắt đầu với rau, sau đó là protein và cơm. Món khai vị là rau; kế tiếp là sashimi (cá sống), rau ăn kèm thịt, cá, đậu phụ, súp, cá nướng; sau cùng là cơm và dưa muối. 

Khi ăn rau trước, bạn có thể làm giảm phản ứng glycation. Đây là hiện tượng lượng đường dư thừa kết hợp với protein trong cơ thể làm suy giảm tế bào. Tiến sĩ Charlene Brannon, cựu giảng viên hóa học thực phẩm tại Đại học Washington (Mỹ) cho rằng glycation không chỉ khiến da nhăn nheo mà còn gây hại cho nội tạng. 

Nghiên cứu của Đại học Y khoa Weill Cornell (Mỹ) cũng cho thấy bệnh nhân tiểu đường nên ăn các món như cơm, mì sau cùng. Cách làm này có lợi cho việc kiểm soát lượng đường trong máu. 

Các tác giả xem xét dữ liệu của 16 người mắc tiểu đường loại 2. Thực đơn của họ bao gồm bánh mì, khoai tây, mì ống, thịt gà và salad nhưng thứ tự ăn các món khác nhau. Kết quả cho thấy, những người ăn bánh mì, khoai tây và mì ống sau cùng có lượng đường trong máu sau bữa ăn ổn định nhất, thấp hơn khoảng 50% so với người ăn mì, khoai tây trước. 

Một số lưu ý khi ăn

Không ăn quá no: Đây là điểm cơ bản nhất, giúp tránh hấp thụ quá nhiều năng lượng từ thực phẩm. Nếu muốn duy trì cân nặng khỏe mạnh, bạn không nên ăn quá nhiều đối với mọi món, không chỉ riêng thịt cá.

Đa dạng thực phẩm: Chúng ta nên ăn 12 loại thực phẩm mỗi ngày và 25 loại mỗi tuần để đảm bảo sự đa dạng và cân bằng. Do đó, hãy chuẩn bị nhiều nguyên liệu phong phú hơn mỗi ngày. 

Tập trung vào món ăn ‘nhẹ bụng’: Ăn quá nhiều dầu mỡ, đồ ngọt, nhiều calo khiến bạn dễ tăng cân. Ăn quá mặn không có lợi cho sức khỏe tim mạch và nhiều cơ quan trong cơ thể. Do đó, hãy cố gắng ăn các thực phẩm ít gia vị, ít chế biến, đặc biệt vào buổi tối.