Khách "đặt đâu từ chối đấy", đang ăn vội "bỏ của chạy lấy người"

8 giờ tối, chị N.T.V. (Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cùng chồng rủ nhau đi ăn ngoài thay vì nấu nướng tại nhà. Trước đó, chị đã liên hệ một vài nhà hàng, quán quen nhưng đều nhận lại lời từ chối vì quá giờ đặt bàn. 

"Vì tôi kết thúc công việc muộn nên đặt bàn ăn tối sau 8 giờ 30 phút. Tuy nhiên, những quán tôi liên hệ đều phản hồi rằng, do quy định cấm mở cửa từ 9 giờ tối nên họ không nhận khách sau khung giờ này.

Chúng tôi chuyển sang tìm quán ăn gần nhà nhưng đa phần các quán lẩu nướng, bia hơi cũng không nhận khách muộn. Riêng những quán bán món ăn vặt hoặc ăn nhanh như bún, cháo, phở,... thì thư thả hơn bởi khách không cần tốn nhiều thời gian thưởng thức", chị V. nói.

Quán ăn gồng lỗ, khách quay xe vì quy định cấm mở sau 21h ở Hà Nội - 1

Quy định cấm hàng quán mở cửa sau 21h khiến nhiều khách hàng gặp khó khăn trong việc tìm địa chỉ ăn uống muộn (Ảnh: T.T).

Mất nửa tiếng đồng hồ vẫn chưa tìm được chỗ, người phụ nữ 29 tuổi cùng chồng đành mua đồ ăn về nhà và tự nấu nướng. "Cả hai đã quen với giờ giấc sinh hoạt muộn, 9-10 giờ tối ra đường là bình thường. Nhưng với quy định cấm hàng quán mở cửa sau 21h như này thì chắc chúng tôi khó có thể ăn ngoài nữa, phải chủ động nấu nướng ở nhà", chị V. tiếc nuối kể.

Quán ăn gồng lỗ, khách quay xe vì quy định cấm mở sau 21h ở Hà Nội - 2

Chị V. và chồng đặt đồ ăn về nhà sau nửa tiếng đồng hồ khó khăn tìm kiếm quán ăn bán tại chỗ lúc 9 giờ tối (Ảnh: NVCC).

Gần năm trời mới có dịp tụ tập, chị P.T.T (Quận Hoàng Mai, Hà Nội) cùng vài người bạn đi ăn ốc vỉa hè. Cả nhóm đến một quán ốc trên đường Kim Giang lúc hơn 8 giờ tối. Vì cuối tuần, lượng khách quá tải nên quán chật kín chỗ. Nhiều người phải xếp hàng chờ đợi hoặc "quay xe" ra về vì hết bàn. 

Sau khi sát khuẩn tay và quét mã QR tại quán, chị T. và nhóm bạn được nhân viên sắp xếp chỗ ngồi. Hơn nửa tiếng đồng hồ chờ đợi, cả nhóm mới được phục vụ đủ đồ ăn, nước uống đã gọi ban đầu.

Đang ăn dở đĩa ốc luộc vừa bưng ra còn nóng hổi, chị T. được chủ quán thông báo "đóng cửa" gấp. Người chủ và các nhân viên nhanh chóng tắt bớt đèn, thu vội đống đồ, bàn ghế bên ngoài vào trong nhà, miệng vừa giục khách giải tán, vừa nói xin lỗi. Dù khá bất ngờ, chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra nhưng thấy các vị khách xung quanh nhốn nháo, chị T. và nhóm bạn cũng vội vã đứng dậy.

"Đồ vừa mang ra, chúng mình mới ăn được 1/3 thì thấy nhân viên chạy tới giục mọi người đứng dậy, cuống cuồng thu dọn. Hỏi thăm mới biết, vì quy định chỉ được bán hàng đến 9 giờ tối, chủ quán thấy công an phường tới nên vội đóng cửa gấp để tránh bị phạt", chị T. nhớ lại.

Quán ăn gồng lỗ, khách quay xe vì quy định cấm mở sau 21h ở Hà Nội - 3

Chị T. và bạn bè có trải nghiệm "nhớ đời" khi đi ăn hàng quán ven đường lúc gần 9 giờ tối (Ảnh: NVCC).

Cô gái trẻ cũng tiết lộ, khi quán ăn vội tắt đèn, đóng cửa, một số khách bị giật mình nên hốt hoảng, tá hỏa bỏ chạy, rơi cả đồ. Có người thấy cảnh tượng nhốn nháo vậy cũng bỏ việc thanh toán mà rời đi luôn. Riêng nhóm chị T. tuy có bất ngờ và hoảng hốt nhưng vẫn kiên nhẫn nán lại chờ thanh toán. Vì nhóm chưa sử dụng hết đồ ăn nên chủ quán cũng giảm giá một nửa số tiền. 

"Với những người trẻ như chúng mình, nhất là ở Hà Nội, việc đi ăn, đi chơi muộn cũng rất đỗi bình thường. Tuy nhiên, quy định cấm hàng quán mở cửa sau 9 giờ tối như vậy khiến cả khách và quán đều gặp khó khăn, bất tiện. Mình hy vọng thời gian bán hàng được nới lỏng hơn, tạo điều kiện để mọi người có thể sinh hoạt thoải mái, đáp ứng các nhu cầu một cách chính đáng", vị khách trẻ bày tỏ.

Quán lỗ "chổng vó", từ chối nhận khách dù thừa chỗ trống

Mở cửa trở lại sau thời gian dài "đóng băng" vì dịch bệnh, anh N.V.V - chủ một nhà hàng chuyên phục vụ hải sản tươi sống tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) thấy "khó hiểu" vì quy định cấm mở cửa sau 21h. Anh cho biết, quán hoạt động gần 3 năm nay, mở cửa từ 11 giờ trưa đến 9 giờ tối.

"Khách đến ăn ít nhất là một tiếng, đa phần kéo dài từ 2-3 tiếng nên họ thường tụ tập ăn tối thay vì ăn trưa. Tuy nhiên, do quy định cấm bán sau 21h nên chúng tôi chỉ tiếp đón được 1-2 lượt khách, đến 20h30 phải ngừng nhận khách rồi", anh V. nói.

Vị chủ quán này cho hay, quy định cấm mở cửa sau 9 giờ tối gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của các nhà hàng, quán ăn. Theo anh, nếu thành phố cho phép bán muộn hơn, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có thể tiếp đón thêm được nhiều lượt khách, vừa đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân, vừa có thêm nguồn thu nhập để chủ quán chi trả các khoản chi phí duy trì hoạt động như tiền lương cho nhân viên, tiền mặt bằng, tiền điện nước,...

Quán ăn gồng lỗ, khách quay xe vì quy định cấm mở sau 21h ở Hà Nội - 4

Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống gặp khó vì quy định cấm mở cửa sau 21h. Thậm chí, những quán phục vụ các món ăn như lẩu, nướng,... phải dừng nhận khách sau 8:30 tối dù còn nhiều chỗ trống hoặc dọn dẹp, đóng cửa từ sớm (Ảnh: NVCC).

Anh V. cũng tiết lộ, quán có hơn 10 bàn, phục vụ tối đa 50 khách cùng lúc. Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, quán luôn thực hiện đầy đủ các quy định phòng, chống dịch an toàn. Ngoài ra, anh V. còn chuẩn bị dung dịch sát khuẩn và cài đặt khai báo y tế thông qua quét mã QR cho khách hàng.

"Ở Hà Nội, nhiều người thường đi ăn uống vào khoảng thời gian 20h-21h nên quy định cấm như vậy khiến khách hàng gặp nhiều trở ngại. Nhiều khách hàng thân thiết dù đã liên hệ từ trước nhưng khi chúng tôi thông báo chỉ mở được đến 21h, họ đành từ chối đặt bàn. Thậm chí, cuối tuần, mới hơn 8 giờ tối, khách đến rất đông, nhiều nhóm có tới 7-10 người nhưng quán vẫn buộc phải từ chối nhận khách sau khung giờ đó, dù bên trong, chỗ trống vẫn còn nhiều", vị chủ quán chia sẻ.

Quán ăn gồng lỗ, khách quay xe vì quy định cấm mở sau 21h ở Hà Nội - 5

Quy định cấm hàng quán mở cửa sau 21h khiến nhiều khách hàng gặp khó khăn trong việc tìm địa chỉ ăn uống muộn (Ảnh: T.T).

Tương tự như anh V., gần 1 năm nay, anh L.V.T - chủ một quán ăn ở khu đô thị HH Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) vừa làm thu ngân, phục vụ, vừa tranh thủ giao hàng, ship tận nơi cho khách.

Vị chủ quán cho biết thêm, khu vực này có hàng vạn cư dân sinh sống, tầm 20-21h, lượng khách ăn tối rất đông. Tuy nhiên, do quy định cấm bán sau 9 giờ tối nên quán không thể nhận khách muộn. Nhiều người đến sát giờ đành quay về.

Anh cho hay, việc cấm mở cửa sau 21h khiến quán mất đi lượng khách đáng kể, ảnh hưởng tới nguồn thu trong khi các chi phí mặt bằng, điện nước,... rất tốn kém. Thậm chí, quán cũng lỗ "nặng" do nguồn thu không đủ bù lại các khoản chi phí trên.

"Trước đây, quán có 8 người, gồm 2 người đứng bếp, 4 nhân viên phục vụ, 1 bảo vệ và tôi - chủ quán kiêm thu ngân. Nhưng hiện, quán phải cắt giảm nhân lực, chỉ còn 1 người đứng bếp, 1 bảo vệ và 2 nhân viên.

Mỗi tháng, tôi phải trả 20 triệu đồng tiền thuê mặt bằng. Riêng tiền lương, tiền điện nước các thứ cũng tốn khoảng 60 triệu đồng/tháng. Nửa năm nay, tôi liên tục phải bù lỗ mỗi tháng vài chục triệu đồng. Cứ tình hình như vậy, chắc tháng sau tôi phải đóng cửa, ngừng kinh doanh vì không trụ được nữa", chủ quán giãi bày.

Người đàn ông này cũng bày tỏ mong muốn quy định trên sớm được thay đổi hoặc loại bỏ cho phù hợp với tình hình hiện tại để các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có thể hoạt động ổn định trở lại, vực dậy kinh tế sau thời gian dài chật vật vì dịch bệnh.

Hà Nội ra hướng dẫn sau cảnh 'rồng rắn' xin xác nhận F0

Hà Nội ra hướng dẫn sau cảnh 'rồng rắn' xin xác nhận F0

Quyết định cách ly y tế tại nhà sẽ được gửi bản chụp qua điện thoại, zalo đến Tổ hỗ trợ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng để gửi cho người mắc qua nhóm Zalo.

Theo Dân trí