Quán bánh canh Mỹ Tho của vợ chồng anh Phương nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Phạm Thế Hiển (quận 8, TP. HCM). Gần 4 năm buôn bán, giá cả ở đây vẫn giữ nguyên, chỉ 10.000 đồng/bát bánh canh sườn cây (bánh canh xương sườn), gần như rẻ nhất Sài thành. Vì thế, quán có tên gọi khác bánh canh sườn cây 10k.
Với 10.000 đồng, thực khách có thể gọi một bát bánh canh gồm thịt nạc, da heo và huyết hoặc một cọng sườn. Sợi bánh canh ở đây được lấy từ quê hương Mỹ Tho của anh Phương. "Sợi này được làm bằng bột gạo, tôi đặt khuôn đổ riêng, to hơn khuôn của sợi bánh canh bình thường mà chúng ta hay ăn. Mỗi ngày tôi bán khoảng 60-70 kg bánh", anh Phương chia sẻ.
Bên cạnh sợi bánh canh bột gạo độc lạ, phần nước dùng được nêm nếm vừa phải và lấy vị ngọt từ xương ống, khô mực và cải muối. Anh Phương còn cho thêm tôm khô, đầu hành và huyết vịt vào nấu chung để tạo thêm mùi vị. Trong ảnh là bát bánh canh giá 10.000 đồng.
Ngoài phần 10.000 thông thường, quán bánh canh Mỹ Tho của anh Phương còn có bát đầy đủ với các loại đồ ăn kèm như mực ống, tôm càng, giò heo, có giá 35.000 đồng.
Tóp mỡ và tỏi phi giòn rụm, béo ngậy được rải sau cùng, hoà quyện với nước dùng làm cho món ăn thơm ngon, hấp dẫn hơn.
Xương sườn ở đây hơi ít thịt, tuy vậy, sườn lại được hầm mềm, rã. Khi ăn, thịt như tan vào miệng, không có cảm giác hôi hay bở.
Bên cạnh đó, tôm và mực cũng được nấu đúng lửa, thịt còn độ giòn và dai. Được biết, quán anh Phương thường xài con mực ống to, sau đó cắt ra từng khoanh tròn để phục vụ khách. Bánh canh mực có giá 20.000 đồng.
Trước khi mở quán, anh Phương đã dành một năm nghiên cứu cả công thức và địa điểm bán. "Cuối cùng, tôi chọn bán ở quận 8, nơi có nhiều dân lao động, mong rằng quán ăn của mình có thể giúp họ phần nào", chủ quán nói. Được biết, trung bình một ngày quán bán được 500- 600 bát bánh canh sườn cây giá 10.000 đồng.
Dù vật giá leo thang, anh Phương vẫn giữ nguyên mức giá 10.000 đồng suốt gần 4 năm để những người khó khăn cũng có thể ăn. Anh Phương chia sẻ: "Tôi cũng không biết mình lời ra sao, tôi bán được là nhờ vào số đông, nhờ vào những người họ yêu quý quán mình rồi đến đây ăn thường xuyên. Trước đó, tôi cũng suýt phá sản mấy lần rồi".
Quán mở bán từ 11h trưa đến 6h tối, thực khách ra vào tấp nập, chủ yếu là học sinh, sinh viên và công nhân. "Vì nhà gần nên tôi thường xuyên ăn ở đây. Buổi trưa lười nấu cơm, tôi lại đến quán anh Phương. Chí cần 10.000 đồng thôi mà có một bữa no nê rồi", một vị khách sống ở quận 8, chia sẻ.